Mới đây, UBND Hà Nội vừa giao Thanh tra tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ quy trình phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại các huyện, tránh để xảy ra tình trạng khai khống lợn mặc bệnh dịch chết để nhận tiền hỗ trợ.
Trước thông tin bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp, 180 xã, phường, thị trấn ở Hà Nội dịch bệnh tái phát trở lại sau 30 ngày. Không ít dư luận đặt ra nhiều dấu hỏi về công tác phòng chống dịch bệnh của các cơ quan có liên quan. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng cần rà soát toàn bộ quy trình phòng chống dịch bệnh và cả nguồn kinh phí hỗ trợ phòng chống dịch bệnh.
Liên quan đến thông tin, 180 xã ở Hà Nội tái phát dịch tả lợn châu Phi, chiều ngày 4/11 PV báo điện tử Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng chi cục Thú y Hà Nội.
Thưa ông, có thông tin 180 xã ở Hà Nội đang tái phát dịch tả lợn châu Phi. Cho đến nay, tình hình phòng chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn Hà Nội cụ thể thế nào?
Tổng có khoảng 450 xã trên địa bàn Hà Nội bị dịch tả lợn châu Phi suốt từ đầu dịch cho đến giờ. Vì, dịch tả lợn châu Phi không có thuốc điều trị, không có vắc-xin nên không thể hết triệt để. Theo quy định cứ 30 ngày là qua dịch, 180 xã chiếm 55% số xã đã qua 30 ngày. Trên thực tế, có những xã chưa bị dịch tả lợn châu Phi thì nay có khả năng bị, hai là những xã bị rồi thì có thể tái phát ở một ổ dịch mới chứ không phải bùng phát cùng một lúc 180 xã.
Bấy lâu nay, dịch hàng ngày vẫn xảy ra, số xã dịch qua 30 ngày chiếm 55%, còn số xã bị dịch trở lại chỉ là 1 - 2 xã (cả huyện bị 1 xã-PV), có xã trước bị ở 1 ổ dịch nay lại bị tái phát ở 1 ổ dịch mới cách đó 100 – 200 mét.
Hiện nay, Hà Nội vẫn tích cực áp dụng các biện pháp phòng chống dịch. Nhưng, để chữa dứt điểm chỉ khi nào có vắc-xin thì mới dứt điểm được. Tôi khẳng định lại, 180 xã là số xã từ đầu vụ dịch đến giờ (có xã bị dịch tả lợn châu Phi quay trở lại) gọi là phát sinh chứ không phải bùng phát.
Thưa ông, được biết, thành phố chi hơn 1.000 tỷ đồng cho việc hỗ trợ kiểm soát dịch tả lợn châu Phi. Nhưng, cho đến nay vẫn không thể hết dịch vậy nguyên nhân chính là gì?
Tôi khẳng định dịch không thể hết mà cứ dai dẳng, theo chuyên môn hay dùng là “sống chung với lũ”, thỉnh thoảng phát sinh một ổ dịch. Ngày trước, cao điểm có khi tiêu huỷ 8-10 nghìn con. Giờ chỉ lác đác, khoảng 10 hộ, số lượng tiêu huỷ bình quân chỉ 200 - 300 con/ ngày trên địa bàn toàn Hà Nội.
Số 450 xã bị dịch, qua 30 ngày không thể hết được tất cả dịch và có vài xã quay trở lại bị. Theo thống kê 180 là số xã quay trở lại bị dịch chứ không phải bùng phát một lúc cả 180 xã.
Về kinh phí hỗ trợ, UBND thành phố giao cho các quận, huyện chỉ đạo trong việc một là hỗ trợ kinh phí cho người tiêu huỷ khi bị dịch; Hai là xử lý ổ dịch và chi trả công cho người đi tiêu huỷ. Đó là thành phố giao cho UBND các quận huyện trực tiếp chỉ đạo.
Vậy, ông đánh giá như thế nào về số lượng lợn bị tiêu huỷ do dịch tả lợn phát sinh ở Hà Nội thời gian gần đây?
Thứ nhất, những xã chưa bị thì thời gian tới có thể bị; Thứ 2, những xã bị rồi qua 30 ngày, một thời gian ngắn sau quay trở lại bị dịch nhưng số lượng bị dịch rất ít. Hiện tại, số lượng lợn bị tiêu huỷ do dịch tả lợn châu Phi ở Hà Nội là rất ít so với lúc bùng phát (200 - 300 con/ ngày và 10 hộ/ngày) số xã này nằm trong tổng số xã đã bị dịch rồi giờ bị lại.
Xin cảm ơn ông!
Thanh Lam - Thái Phương