Trong phiên thảo luận tại hội trường về hiệu quả của các dự án đầu tư công, đại biểu Mai Sỹ Diến (đoàn Thanh Hóa) thẳng thắng nêu quan điểm, dự án đầu tư theo hình thức xây dựng- chuyển giao (BT) như hiện nay có thể biến tướng thành giao dịch ngầm giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước.
Đại biểu Mai Sỹ Diến dẫn chứng, chỉ 1 trong 12 dự án giai đoạn 2013 - 2017 đấu thầu, còn lại 11 dự án được phân giao qua chỉ định thầu. Thời điểm giao đất thanh toán, thời điểm giao dự án còn nhiều bất cập. Điều này đã làm giảm tính cạnh tranh trong thực hiện dự án.
Thực tế, nhiều dự án BT bị đội vốn gây thất thoát tài sản Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng đã bị Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi. Hàng loạt dự án dở dang, thiếu vốn khi mà cách phân bổ kiểu “mỗi địa phương 1 dự án”, đầu tư dàn trải theo kiểu cào bằng. Với cách đầu tư như hiện nay, liệu BT thực sự giảm gánh nặng cho ngân sách?
Dư luận đặt câu hỏi, có hình thức đầu tư nào mà “khoảng trống pháp lý” đến mức 90% các dự án BT lại lựa chọn nhà đầu tư bằng cách chỉ định thầu, vô hiệu hóa những quy định pháp luật về đấu thầu. Dường như con số 4.515 tỷ đồng mà Kiểm toán Nhà nước kiến nghị thu hồi qua các dự án BT đang là một dẫn chứng thực tế sinh động.
Còn nhớ, tại kỳ họp trước (tháng 6/2018), trong phiên chất vấn với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, đại biểu Quách Thế Tản (đoàn Hoà Bình) cũng từng nhìn nhận: "Hình thức này dẫn đến tiềm ẩn rủi ro trong vấn đề quản lý tài chính, thất thu ngân sách, quản lý nguồn lực và dẫn đến cả vấn đề tham nhũng, lợi ích nhóm".
Rõ ràng, nhìn từ phía dân, khoản tiền đó là thuế, là vay mượn, là nợ công. Và đổi lại, thời gian qua người dân nhận lại câu trả lời là những công trình thiếu minh bạch, kém hiệu quả. Nói như cách lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa từng trả lời chất vấn cử tri, đi vào chiều sâu thì các dự án BT đều có "nội hàm bên trong". Bây giờ phải xem các văn bản chỉ đạo của các bộ, ngành, nó được cái gì, thiếu cái gì, cái gì cần phải làm rõ chứ không thể làm theo kiểu “trăm hoa đua nở” hoặc khi không mang lại hiệu quả lại rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.
Đã đến lúc, trách nhiệm của những người quyết định nên được bắt đầu bằng việc trả lời câu hỏi hiệu quả của một dự án. Cần có một chế độ kiểm tra, giám sát chặt chẽ, một hệ thống quy chuẩn đủ mạnh để “vá” những lỗ hổng trong đầu tư công, tránh gây thất thoát, lãng phí ngân sách.
N.Giang
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả