Ngày 27-5, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã tạm hoãn phiên xử vụ tranh chấp cái toilet (nhà vệ sinh) giữa bà A. cùng hai em với ông S. (em cùng cha khác mẹ với bà A.) để đôi bên có thời gian nghĩ kỹ hơn về vụ việc.
Chị em ra tòa
Trong phiên tòa, bà A. trình bày: “Cha mẹ tôi mất để lại một căn nhà ở quận Gò Vấp nên bây giờ tôi và hai em đề nghị tòa chia cho phía tôi nửa căn, nửa còn lại giao cho ông S. - người đang đại diện quản lý sử dụng”.
“Tôi không đồng ý việc chia nhà. Tòa cho tôi hưởng trọn, bù lại tôi sẽ gửi cho phía nguyên đơn 100 triệu đồng” - ông S. nêu ý kiến.
Cạnh đó, ông S. cũng đề nghị phía bà A. bít phần cửa hông giữa hai nhà (nhà ông và nhà của phía bà A. sát vách nhau) vì nó đi vào phần nhà vệ sinh đang nằm trên đất ông. Ông đồng ý trả lại cho phía bà A. 4 triệu đồng đã góp cùng ông xây nhà vệ sinh trên.
Phía bà A. phản bác: “Phía tôi không đồng ý bít cửa hông. Chúng tôi phải được sở hữu nhà vệ sinh dù hiện nay nó đang nằm trên giấy chủ quyền nhà của ông S.”.
Xử sơ thẩm vào tháng 1-2013, TAND TP.HCM buộc ông S. phải thối trả cho phía bà A. mỗi người hơn 116 triệu đồng để được hợp thức hóa đứng tên nhà. Tòa cũng tuyên buộc phía bà A. trả phần nhà vệ sinh đang sử dụng chung cho ông S.
Ngay sau đó phía bà A. kháng cáo yêu cầu tòa xem xét cho phía này hưởng một phần nhà vệ sinh.
Cho thời gian suy nghĩ
Tại phiên phúc thẩm, phía bà A. nói: “Chúng tôi đã sử dụng toilet lâu nay, từ lúc 13 tuổi đến giờ là 53 năm dù trên giấy tờ nó nằm trên đất nhà ông S. Nay chúng tôi không nhận 116 triệu đồng thừa kế. Chúng tôi sẽ chi thêm cho ông S. 100 triệu đồng để lấy phần nhà vệ sinh này”.
“Tôi không chia. Nó nằm trong khuôn viên nhà tôi thì phải trả cho tôi. Và cũng rất khó cho tôi, nếu chia phần nhà vệ sinh này thì nhà tôi sẽ thành đầu voi đuôi chuột, trong khi phía nhà nguyên đơn có tới ba cái hầm cầu…” - ông S. bảo.
Phía bà A. nói: “Chúng tôi không phải xin mà có quyền với nhà vệ sinh này. Nay chúng tôi trả cho ông S. 216 triệu đồng là quá nhiều rồi”.
Ông S. vẫn kiên quyết: “Có đưa thêm bao nhiêu tiền thì tôi cũng không đồng ý”.
Đại diện VKS phát biểu, cần giữ nguyên hiện trạng căn nhà, không làm thay đổi cấu trúc. Án sơ thẩm giao căn nhà cho ông S. quản lý và thanh toán phần tài sản chung cho những người còn lại là hợp lý. Đề nghị tòa bác yêu cầu của phía nguyên đơn đòi chia nhà và chia nhà vệ sinh.
HĐXX lại ra sức khuyên can đôi bên bởi họ cùng dòng máu, nên tìm lối thoát chứ để án kéo dài không có lợi. Tòa sẵn sàng hoãn phiên xử để đôi bên có thời gian suy nghĩ nhằm giữ vẹn cái tình.
Dù tòa đã nói vậy nhưng hai bên kiên quyết bảo lưu quan điểm. Tuy nhiên, tòa vẫn quyết định hoãn xử để hai bên có thời gian suy nghĩ về gợi ý của tòa…
Tòa cố gắng hóa giải mâu thuẫn Phiên xử hôm ấy ngột ngạt dù không nhiều người tham dự. Không ai nghĩ chị em đầu đã hai màu tóc phải đưa nhau ra chốn pháp đình, cãi nhau căng thẳng chỉ vì cái nhà vệ sinh vỏn vẹn 2 m2. Chủ tọa khuyên đôi bên nên thương lượng để giữ tình cảm. Một người trong gia đình phản ứng bảo trước nay gia đình bà cũng hòa thuận nhưng sau này chỉ vì cái toilet mà mất lòng nhau nên rất khó hòa giải. Ông S. cũng gay gắt nêu ý kiến đến nỗi người con phải đến đưa nước cho ông uống lấy lại sức. Những người còn lại cũng không ít lời đôi co qua lại. Hết HĐXX rồi kiểm sát viên lần lượt đưa ra các lời khuyên chí tình chí lý nhưng đôi bên không hưởng ứng. Chủ tọa kiên nhẫn phân tích nhà của ông S. không vuông vức, nếu cắt phần nhà vệ sinh cho phía nguyên đơn thì rất khó. Xử theo luật tòa cũng làm được nhưng nó làm mất tình cảm chị em trong nhà. Tuy nhiên, chủ tọa vừa dứt thì đôi bên lại nhìn nhau không thiện cảm… |
Theo Hoàng Yến (Pháp luật TP HCM)