Chỉ giáo viên thiếu năng lực mới lo ‘không còn công chức, viên chức'

Chỉ giáo viên thiếu năng lực mới lo ‘không còn công chức, viên chức'

Trương Ngân Hà

Trương Ngân Hà

Chủ nhật, 21/05/2017 09:00

Sau khi người đứng đầu ngành Giáo dục cho biết sẽ thí điểm chế độ hợp đồng, có vào có ra đối với giáo viên, đã có khá nhiều ý kiến ủng hộ mô hình này.

Trong buổi tiếp xúc cử tri là cán bộ quản lý ngành Giáo dục TP.Quy Nhơn và tỉnh Bình Định vừa qua, Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết sẽ triển khai thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo viên. Theo đó, đội ngũ nhà giáo sẽ làm việc “theo chế độ hợp đồng có vào có ra, có chế độ đãi ngộ lớn”.

Xi nhan Trái Phải - Chỉ giáo viên thiếu năng lực mới lo ‘không còn công chức, viên chức'

Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết sẽ thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo viên. Ảnh: Moet.gov.vn.

Dù bộ trưởng chưa công bố lộ trình cụ thể nhưng tôi rất ủng hộ và kỳ vọng vào những tác động tích cực của quá trình chuyển đổi từ biên chế sang hợp đồng. Tính xa hơn, giải pháp này nên được áp dụng trong các ngành khác chứ không riêng ngành Giáo dục để làm đòn bẩy cho sự phấn đấu của mỗi cá nhân.

Đã đến lúc cần thẳng thắn thừa nhận những tiêu cực đến từ các kẽ hở trong tuyển dụng công chức, thẳng tay dẹp bỏ tình trạng "công chức cắp ô" - chỉ làm việc cho có, cho xong mà không sợ phải nhận hình thức kỷ luật cao nhất. Làm được điều đó, sẽ không còn những câu chuyện trớ trêu gây xôn xao trong dư luận sau mỗi đợt thi tuyển công chức như thí sinh đạt điểm cao nhất cụm thi vẫn bị đánh trượt hay tin đồn về mức giá “chạy” biên chế leo thang từng năm.

Dĩ nhiên, ta sẽ không nhận được sự đồng thuận tuyệt đối của giáo viên, giảng viên, đặc biệt là những người “đã trong biên chế”. Nhưng với những sinh viên sư phạm sắp tốt nghiệp và những giáo viên hợp đồng nhiều năm liền không tìm được… đường vào công chức, đây sẽ là cơ hội quý báu để họ thể hiện bản thân.

Mong muốn được vào biên chế vốn xuất phát từ mối quan tâm đặc biệt với kế sinh nhai, cụ thể là nỗi sợ thất nghiệp hoặc phải tìm việc mới sau khi hết thời hạn ghi trong hợp đồng lao động. Ngoại trừ những đứa trẻ sinh ra đã ngậm thìa vàng, được bố mẹ lo cho từ A – Z hoặc một số cá nhân thích bay nhảy, ai chẳng mong tìm được một công việc ổn định và may mắn hơn, là được ăn lương (tăng theo thâm niên) suốt đời.

Nhưng bên cạnh mong muốn “ổn định”, tất cả mọi người đều hy vọng mình được hưởng mức lương xứng đáng với khối lượng công việc hiện tại và cả công sức học hành, nghiên cứu bỏ ra từ trước. Sự thực là những bác sĩ, cô giáo ở viện công, trường công vẫn mong được trả mức lương cao chót vót như ở viện tư, trường tư.

Vậy, hãy xem lại Bộ trưởng Nhạ đã nói gì về quyền lợi của giáo viên khi thay đổi chế độ biên chế trong giáo dục. Đó là một “chế độ đãi ngộ lớn” – Tuy chưa định lượng được chữ “lớn” theo ý của Bộ trưởng nhưng tôi vẫn mong cơ chế trả lương của mô hình này sẽ chấm dứt việc chạy chọt cũng như xóa bỏ nỗi lo về sự xuống cấp đạo đức ở những người thầy.

Khi ấy, chỉ những giáo viên thiếu năng lực mới phải sốt ruột, lo lắng trước tương lai “không còn công chức, viên chức”.

Trương Chi

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.