Trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, phân bón là một trong những vật tư quan trọng và được sử dụng với một lượng khá lớn hàng năm. Phân bón đã góp phần đáng kể làm tăng năng suất cây trồng, chất lượng nông sản, đặc biệt là đối với cây lúa ở Việt Nam.
Theo đánh giá của Viện Dinh dưỡng cây trồng quốc tế (IPNI), phân bón đóng góp khoảng 30-35% tổng sản lượng cây trồng. Tuy nhiên, phân bón cũng chính là những loại hóa chất nếu không được sử dụng đúng theo quy định sẽ trở thành một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường sản xuất nông nghiệp và môi trường sống.
Ruộng “teo”, người “dính” bệnh vì... phân bón
Theo Bộ NN &PTNT, tính từ năm 1985 tới nay, diện tích gieo trồng ở nước ta chỉ tăng 57,7%, nhưng lượng phân bón sử dụng tăng tới 517%. Cùng đó, hàng năm nước ta còn sử dụng khoảng 1 triệu tấn phân hữu cơ, hữu cơ sinh học, hữu cơ vi sinh các loại.
Theo số liệu tính toán của các chuyên gia trong lĩnh vực nông hóa học ở Việt Nam, hiện nay hiệu suất sử dụng phân đạm mới chỉ đạt từ 30-45%, lân từ 40-45% và kali từ 40-50%, tùy theo chân đất, giống cây trồng, thời vụ, phương pháp bón, loại phân bón… Như vậy, còn 60-65% lượng đạm (tương đương 1, 77 triệu tấn urê), 55-60% lượng lân (tương đương 2, 07 triệu tấn supe lân) và 55-60% lượng kali (tương đương 344 nghìn tấn Kali Clorua) được bón vào đất nhưng chưa được cây trồng sử dụng.
Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới có thể giúp nông dân thoát nghèo
Trong số phân bón chưa được cây sử dụng, một phần còn lại ở trong đất, một phần bị rửa trôi theo nước mặt do mưa, theo các công trình thủy lợi ra các ao, hồ, sông suối gây ô nhiễm nguồn nước mặt...
Xét về mặt kinh tế thì khoảng 2/3 lượng phân bón hàng năm cây trồng chưa sử dụng được, đồng nghĩa với việc 2/3 lượng tiền người nông dân bỏ ra mua phân bón bị lãng phí, với tổng thất thoát lên tới khoảng 30.000 tỷ đồng (tính theo giá phân bón hiện nay).
Xét về mặt môi trường, trừ một phần các chất dinh dưỡng có trong phân bón được giữ lại trong các keo đất là nguồn dinh dưỡng dự trữ cho vụ sau, hàng năm một lượng lớn phân bón bị rửa trôi hoặc bay hơi đã làm xấu môi trường sản xuất nông nghiệp và môi trường sống. Đó cũng là những tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước, không khí. Trong số đó, phân do sản xuất lúa gây ra đối với việc ô nhiễm môi trường là vấn đề đáng được quan tâm nhất, vì hàng năm một lượng lớn phân bón được dành cho sản xuất lúa.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hạc Thúy - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội phân bón Việt Nam cho biết: “Các nghiên cứu khoa học cũng cho biết, chưa có một loại phân bón hóa học nào dùng đúng liều lượng hoặc quá liều lượng trong lĩnh vực nông nghiệp mà không gây độc cho người và môi trường. Nhiều loại cây bị đột biến gene, làm thay đổi cơ chế di truyền là do phân bón. Còn con người có thể bị nhiễm sắc thể, mắc bệnh ngoài da, dị ứng và nhiều bệnh khác cũng do ảnh hưởng của phân bón”.
Giúp dân thoát nghèo
Theo ông Nguyễn Văn Bộ - giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết, nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước thách thức to lớn về ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, giá thành sản xuất cao, chất lượng nông sản thấp, năng lực cạnh tranh giảm. Tăng trưởng nông nghiệp thời gian qua chủ yếu nhờ vào đổi mới chính sách, tăng cường đầu tư, nhất là trong thủy lợi và phát triển khoa học công nghệ về giống. Trong thời gian tới, tăng trưởng nông nghiệp sẽ phải chủ yếu dựa vào phát triển doanh nghiệp và khoa học công nghệ.
Chính vì thế, theo ông Nguyễn Hạc Thúy - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội phân bón Việt Nam, nếu bón phân đồng bộ, cân đối hợp lý thì phân bón có thể giúp tăng năng suất cây trồng bình quân 35-40%, trong khi khoa học lai tạo giống mới cây trồng cũng chỉ giúp tăng tối đa 10% năng suất.
Còn theo ông Will - chuyên gia cây nhiệt đới của FAO, đất ở nhiều vùng nước ta đã bị thoái hóa, xói mòn nghiêm trọng. Nếu không có các biện pháp can thiệp hợp lý, phân hữu cơ và vô cơ thì chri vài chục năm nữa sẽ khó phục hồi được độ phì nhiêu ban đầu của đất.
Thạc sỹ Nguyễn Hồng Phong - tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông bày tỏ nỗi lo khi khoảng 9 triệu hộ nông dân trồng lúa vẫn rất nghèo, dù đạt kim ngạch xuất khẩu nhiều tỷ USD mỗi năm. Đặc biệt tại đồng bằng sông Cửu Long, trong số hơn 3 triệu hộ nông dân trực tiếp làm lúa thì chỉ 25% có thu nhập đủ sống nhờ cây lúa.
Nông dân sẽ tiết kiệm 20.000 tỷ đồng /năm Theo thạc sỹ Nguyễn Hồng Phong - tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông: Hiện, trung bình mỗi năm, nông dân cả nước đang phải chi khoảng 100.000 tỷ đồng (khoảng 5 tỷ USD) để mua phân bón trồng cây. Tuy nhiên, nếu áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật một cách hiệu quả thì mỗi năm, nông dân cả nước sẽ tiết kiệm được 10% chi phí phân bón, tức là khoảng 10.000 - 20.000 tỷ đồng. |
Thuận Tình