Dù không được đào tạo bài bản qua trường lớp, thế nhưng bằng sự đam mê sáng tạo, người đàn ông chỉ mới học đến lớp 8 ở miền Tây đã sáng chế thành công thiết bị tiết kiệm nhiên liệu cho động cơ. Ông vừa được cục Sở hữu trí tuệ, thuộc bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cấp bằng độc quyền sáng chế sau hơn chục năm nghiên cứu và cải tiến.
Ông là Đặng Hoàng Sơn (SN 1967, ngụ phường 9, TP.Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long). Ông Sơn sinh ra và lớn lên trong gia đình đông anh em, nghèo khó nên ông chỉ học đến lớp 8 rồi nghỉ.
Sau đó, gia đình đã đưa ông đến một tiệm sửa xe máy trên địa bàn học nghề. Khi đó, ông Sơn chỉ mới 14 tuổi.
Ông Sơn kể, thời gian đầu học nghề cũng lắm gian nan, nhưng bằng sự quyết tâm và đam mê của mình, ông không cho phép bản thân mình bỏ cuộc.
Khoảng năm 2003, thời điểm nhiều cửa hàng kinh doanh xe gắn máy cũ phát triển nhưng không ít khách hàng lại than chuyện xe chạy hao xăng dù nhiều lần đã mang xe đến những thợ giỏi chỉnh sửa.
Từ đó, ý tưởng tạo ra một sản phẩm tiết kiệm nhiên liệu cho động cơ trong ông được hình thành. Ngay sau khi có ý tưởng, ông Sơn bắt tay ngay vào việc mày mò nghiên cứu. Sản phẩm đầu tay của ông lại cho kết quả không như mong đợi, còn mắc một số lỗi nhỏ.
Dù vậy, ông Sơn vẫn không hề nản lòng, tiếp tục dốc hết tâm sức của mình cho việc nghiên cứu để cải tiến bộ sản phẩm tiết kiệm nhiên liệu hoàn hảo nhất.
Đến năm 2008, một sản phẩm tiết kiệm nhiên liệu cho động cơ hoàn chỉnh được ra đời. Năm 2015, sản phẩm tiết kiệm nhiên liệu cho động cơ của ông Sơn đạt giải Ba cuộc thi sáng tạo kỹ thuật Trần Đại Nghĩa do tỉnh Vĩnh Long tổ chức.
“Vào cuối năm 2017, ở tuổi 50, tôi được cục Sở hữu trí tuệ, bộ KH&CN cấp bằng sáng chế độc quyền thiết bị tiết kiệm nhiên liệu cho động cơ. Đó là thành quả của cả quá trình mày mò nghiên cứu và được ngành chức năng ghi nhận”, ông Sơn sung sướng nói.
Theo ông Nguyễn Trọng Danh, Phó Giám đốc sở KH&CN Vĩnh Long, bộ tiết kiệm xăng do ông Đặng Hoàng Sơn sáng chế đã được đánh giá thử nghiệm theo chu trình Japan 10-15 do PGS.TS Huỳnh Thanh Công, phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia động cơ đốt trong – trường đại học Bách khoa TP.HCM thực hiện.
Sản phẩm đã được hội đồng Nghiệm thu nhiệm vụ khoa học đánh giá có hiệu quả về kinh tế và môi trường như: Lượng nhiên liệu tiêu thụ giảm 12,5 % - 46 %; Lượng khí thải CO (Carbon Monoxide) giảm 13% - 85%, HC (Hydro Carbon) giảm 4% - 59%, góp phần tăng tính hiệu quả về mặt kinh tế xã hội và môi trường.
"Ông Sơn còn là người tiêu biểu có tinh thần đam mê đổi mới sáng tạo, có những thành tựu trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt lĩnh vực cơ khí như cải tiến thiết bị theo hướng đảm bảo an toàn lao động và cung cấp sản phẩm phụ trợ cho công nghiệp sản xuất giày da xuất khẩu trong và ngoài tỉnh.
Thành tựu và kết quả nêu trên, theo chúng tôi là rất đáng trân trọng, cần được biểu dương, khuyến khích, là tấm gương để các bạn trẻ học tập, tham gia tích cực vào phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thời gian tới", ông Danh nói.