Kiện toàn tổ chức, phát triển hội viên
Ngày 3/12, Chi Hội Luật gia Ban Nội chính Trung ương đã tổ chức đại hội lần thứ nhất (nhiệm kỳ 2024-2029). Đại hội là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng của các luật gia cơ quan Ban Nội chính Trung ương.
Đại hội có nhiệm vụ đánh giá về quá trình thành lập Chi hội và phương hướng, nhiệm vụ hoạt động của Ban Chấp hành Chi hội Luật gia Ban Nội chính Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Tham dự đại hội, về phía Hội Luật gia Việt Nam gồm có: TS. Trần Công Phàn - Phó bí thư Đảng Đoàn, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam; luật gia Vũ Thế Lân – Uỷ Viên BCH, Phó Chánh văn phòng Trung ương Hội Luật Gia Việt Nam; luật gia Hà Công Anh Bảo – Cụm trưởng Cụm thi đua số 6, Hội Luật gia Việt Nam
Về phía Ban Nội chính Trung ương có: TS. Võ Văn Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực, Bí thư Đảng ủy cơ quan Ban Nội chính Trung ương cùng 37 hội viên Chi hội Luật gia Ban Nội chính Trung ương.
Chi Hội Luật gia Ban Nội chính Trung ương được thành lập theo Quyết định số 181/QĐ-HLGVN, ngày 4/9/2024 của Ban thường vụ Trung ương Hội Luật gia Việt Nam. Với 7 thành viên Ban Chấp hành lâm thời, đến nay Chi hội đã phát triển được 37 hội viên.
Thay mặt đoàn Chủ tịch điều hành đại hội, luật gia Trần Thị Thu Hằng - Ủy viên Ban Chấp hành, Phó Chi Hội trưởng Chi hội Luật gia Ban Nội chính Trung ương trình bày báo cáo về quá trình thành lập cũng như phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới.
Theo đó, Chi hội sẽ hoạt động đúng theo tôn chỉ, mục đích của Trung ương Hội, chuyên sâu theo lĩnh vực liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Nội chính Trung ương theo quy định của pháp luật.
Để hoạt động của Chi hội phát triển hiệu quả trong nhiệm kỳ, Luật gia Trần Thị Thu Hằng cho biết, trước tiên Ban Chấp hành cần làm tốt công tác phát triển hội viên, trong đó chú trọng thu hút, phát hội viên trong số cán bộ trẻ, tài năng, có uy tín.
Tiếp theo, cần tập trung xây dựng các kế hoạch nhiệm kỳ và kế hoạch hàng năm để triển khai công việc. Nội dung các kế hoạch cần bám sát Điều lệ Hội Luật gia Việt Nam và quy định của pháp luật.
Chi hội cần bám sát các nhiệm vụ chính trị của Ban Nội chính Trung ương, của các vụ, đơn vị để làm căn cứ hoạt động của Chi Hội, của hội viên. Đẩy mạnh, tăng cường việc giao lưu, gắn kết giữa các hội viên thông qua hoạt động của Chi Hội, hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ.
Bên cạnh đó, Chi hội cần tăng cường hoạt động gắn kết, giao lưu, trao đổi với Hội Luật gia Việt Nam, Chi hội khác và các cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật để nâng cao chất lượng, năng lực hoạt động của Chi hội. Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Chi hội.
Cần chủ động trong công tác
Phát biểu chỉ đạo tại đại hội, TS. Trần Công Phàn - Phó bí thư Đảng Đoàn, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam bày tỏ nhất trí và đánh giá cao nội dung, phương hướng nhiệm vụ đề ra của đại hội.
TS. Trần Công Phàn cho biết thêm, Hội Luật gia Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập từ 4/4/1955. Chỉ từ 40 hội viên ban đầu với nhiệm vụ đối ngoại, bảo vệ nhân quyền, đến nay Hội không ngừng khẳng định vị thế và phát triển với hơn 100 nghìn hội viên trên khắp cả nước.
Điều này cho thấy vị thế, vai trò của Hội Luật gia Việt Nam ngày càng lớn mạnh. Bên cạnh đó, Hội Luật gia Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của Đảng, nhà nước. Là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, được Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị trực tiếp giao nhiệm vụ.
Mới nhất đây là Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 01/7/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới.
Hội viên Hội Luật gia được kết nạp với tiêu chuẩn cao, là người tốt nghiệp đại học Luật hoặc công tác trong lĩnh vực pháp luật từ 3 năm trở lên. Do đó, đây là đội ngũ am hiểu pháp luật và hùng hậu trong tổ chức, tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Để công tác hoạt động của Chi hội Luật gia Ban Nội chính Trung ương hiệu quả hơn trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam đề nghị Chi hội cần chủ động nghiên cứu, đề xuất các công việc cụ thể có thể triển khai với tư cách Chi hội luật gia với lãnh đạo Ban Nội chính để triển khai.
Bên cạnh đó, Chi hội cần tăng cường phối hợp, trao đổi, học hỏi, gắn kết các hội viên trong Ban Nội chính cũng như với các Bộ, Ngành khác có Chi hội Luật gia; với các Chi hội trong cụm thi đua số 6 (Chi Hội Luật gia Ban Nội chính là thành viên) và Trung ương Hội để có thêm những kinh nghiệm, phương thức hoạt động phong phú, đa dạng, hiệu quả.
Tiếp đó, các đại biểu đã tiến hành bầu BCH khóa I (nhiệm kỳ 2024-2029) với 7 hội viên. Trong đó, luật gia Nguyễn Đại Nghĩa (Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ, Ban Nội chính Trung ương) được bầu là Chi hội trưởng.
Tại đại hội, TS.Võ Văn Dũng – Phó trưởng Ban thường trực Ban Nội chính Trung ương đề nghị Chi hội cần tiếp thu ý kiến chỉ đạo của TS.Trần Công Phàn cũng như các ý kiến tham luận tại đại hội.
Chi hội phải bám sát chủ trương đường lối chính sách của Đảng và nhà nước có liên quan. Trong đó nổi bật là Chỉ thị số 14-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới; Nghị quyết 27 của Trung ương về việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam;…Từ đó, có cơ sở để Chi hội đề ra mục tiêu hoạt động thiết thực, cụ thể.
TS. Dũng nhấn mạnh, Chi hội tiếp tục xây dựng đội ngũ hội viên trên tinh thần "đông về số lượng, mạnh về chất lượng", có nhiều hoạt động nổi bật, đúng với vị trí của Chi hội Luật gia của một Ban tham mưu chiến lược của Đảng về nội chính.
Đặc biệt, Chi hội cần hoàn thành mục tiêu xây dựng "đội ngũ luật gia giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, vững vàng về chính trị, tư tưởng, tận tụy với nghề nghiệp, vì dân, vì công lý", phát huy truyền thống vẻ vang 70 của Hội.
Bên cạnh đó, Ban chấp hành Chi hội cần chủ động đề xuất công việc cụ thể với Ban Nội chính Trung ương về những hoạt động thiết thực của mình. Phối hợp với Trung ương Hội, các Chi hội luật gia khác đề thực hiện "Đề án phát huy vai trò hội luật gia các cấp trong tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật" của Chính phủ.
"Trong đó, Chi hội cần tăng cường công tác tư vấn pháp luật, trợ lý pháp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách, người dân ở vùng sâu vùng xa. Các hoạt động này có thể lồng ghép, kếp hợp cùng với các chương trình an sinh xã hội, đi về nguồn bà Ban đang triển khai,…", TS. Võ Văn Dũng nêu gợi ý.