Kiện toàn tổ chức
Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng của chi Hội Luật gia VKSND Tối cao nhằm đánh giá khách quan, toàn diện về những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, đồng thời kiện toàn tổ chức và triển khai các nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới.
Tham dự đại hội có bà Lê Thị Kim Thanh – Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam; Luật gia Dương Đình Khuyến – Phó tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam; ông Nguyễn Quang Dũng – Phó Viện trưởng VKSND Tối cao; Luật gia Quản Văn Minh - Chi hội trưởng Chi hội Luật gia Công ty Luật số 5 - Quốc gia; Đại tá Nguyễn Trung Tuyến - chi Hội Luật gia Bộ Công an cùng hơn 80 hội viên (đại diện cho gần 500 hội viên chi Hội Luật gia VKSND Tối cao).
Tại đại hội, ông Trần Hữu Thanh (chi Hội Luật gia VKSND Tối cao) cho biết, trong nhiệm kỳ 2019-2024, các luật gia thuộc Chi hội đã tập trung vào việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức VKSND năm 2014.
Theo đó, các hội viên của Chi hội trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đã chủ động thực hiện sớm hơn, chặt chẽ hơn và gắn chặt hơn với hoạt động điều tra, góp phần quan trọng trong việc chống oan sai và bỏ lọt tội phạm ngay từ giai đoạn đầu của tố tụng hình sự.
VKSND Tối cao đã phối hợp với các cơ quan hữu quan Trung ương tập trung chỉ đạo giải quyết nhiều vụ án và nhiều vụ việc khác do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Nhiều vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng đã đưa ra truy tố, xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ. Điều này thể hiện sự nghiêm minh và quyết tâm cao của ngành Kiểm sát trong đấu tranh với tội phạm về tham nhũng.
Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu, xây dựng và tuyên truyền pháp luật cũng được đẩy mạnh. Luật gia các đơn vị trực thuộc đã tham gia nghiên cứu, đóng góp ý kiến xây dựng các dự thảo Luật, Pháp lệnh và các văn bản góp ý xây dựng dự thảo luật do Trung ương Hội tổ chức như: Luật Phòng chống tham nhũng, Luật đất đai, Luật sở hữu trí tuệ,…
Ông Thanh cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại hạn chế trong nhiệm kỳ qua, trong đó có việc chưa kiện toàn tổ chức, chi Hội chưa có Chi hội trưởng,...
Ngay sau đó, đại hội lần này đã tiến hành bầu BCH khóa mới với 15 hội viên. Trong đó, ông Trần Hữu Thanh được tín nhiệm giữ chức Chi hội trưởng Chi hội Luật gia VKSND Tối cao nhiệm kỳ 2024-2029.
Ông Nguyễn Quang Dũng – Phó Viện trưởng VKSND Tối cao đánh giá, trong 5 năm qua, Chi hội đã tổ chức và triển khai toàn diện, hiệu quả các nhiệm vụ chính trị có nhiều hoạt động phối hợp, hỗ trợ cùng với Hội Luật gia Việt Nam trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Hội.
Điều đó góp phần tích cực vào ổn định an ninh, trật tự, sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao vị thế, vai trò của Chi hội Luật gia VKSND Tối cao nói riêng và Hội luật gia Việt Nam nói chung.
"Tôi đề nghị, thời gian tới Chi hội cần xây dựng và làm rõ nhiệm vụ chính trị với nhiệm vụ chuyên môn, đổi mới phương thức hoạt động bằng việc xây dựng các chương trình hành động thiết thực. Đặc biệt, chú trọng phát triển hội viên, xây dựng tinh thần gắn bó, đoàn kết, tích cực của hội viên với Chi hội", ông Dũng nhấn mạnh.
Phát huy bản sắc riêng
Phát biểu chỉ đạo tại đại hội, bà Lê Thị Kim Thanh – Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam đánh giá cao những kết quả đạt được của Chi hội Luật gia VKSND Tối cao nhiệm kỳ qua.
Để chi Hội hoạt động hiệu quả hơn trong nhiệm kỳ tới, bà Thanh đề nghị, chi Hội cần chú trọng vận động, thu hút và phát triển thêm hội viên để Chi hội ngày càng vững mạnh hơn. "Trong nhiệm kỳ vừa rồi, BCH, Ban Thường vụ chậm kiện toàn, tôi mong nhiệm kỳ tới Chi hội hoạt động hiệu quả", Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam bày tỏ.
Cùng với đó, chi hội cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trong mọi mặt công tác. Cần chú trọng đến việc chủ động thực hiện một số hoạt động mang bản sắc riêng không trùng lặp với các hoạt động chuyên môn của VKS.
"Ví dụ, chi Hội có thể tổ chức cuộc tọa đàm thảo luận các biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Chi hội, hoặc tổ chức một số cuộc phổ biến pháp luật tại cộng đồng hưởng ứng ngày pháp luật Việt Nam,…", bà Thanh nêu.
Bên cạnh đó, chi Hội cũng cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với Trung ương Hội. Trong nhiệm kỳ tới Trung ương Hội có 2 nhiệm vụ rất quan trọng là: Xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Trọng tài Thương mại và tiếp tục triển khai Đề án "Xây dựng Bộ chỉ số đánh giá của người dân đối với hoạt động tư pháp" giai đoạn II.
"Rất mong Chi hội tham gia tích cực để hoàn thành tốt hai nhiệm vụ này", bà Thanh lưu ý.
Cuối cùng, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam đề nghị chi Hội tăng cường phối hợp với các Chi hội khác trong Cụm thi đua số 6 để hỗ trợ lẫn nhau thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ chung của Hội.