Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa thông báo, Công ty CP Hàng không VietJet đã mua vào thành công hơn 1.738.926 cổ phiếu SGN của Công ty CP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn, qua đó, nâng tổng số cổ phiếu sở hữu lên 3 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 9,11% và trở thành cổ đông lớn của SGN. Trước đó, Vietjet đã sở hữu 3,94% vốn SGN.
Ở diễn biến tương quan, Công ty CP Đầu tư Khai thác Cảng thông báo chuyển nhượng đúng bằng 1.738.926 cổ phiếu SGN để giảm tỷ lệ sở hữu từ 12,8% về 7,6%.
Trong phiên giao dịch 1/7, SGN đã xuất hiện giao dịch thỏa thuận gần 1,74 triệu cổ phiếu với mức giá 81.400 đồng/cp, tương ứng tổng giá trị 141,5 tỷ đồng. Mức giá thỏa thuận này thấp hơn giá đóng cửa SGN trong phiên 1/7 là 89.500 đồng/cp.
Với thương vụ này, Vietjet thay thế chính Đầu tư Khai thác Cảng trở thành cổ đông lớn thứ 3 tại SGN, sau Tổng công ty Cảng hàng không (ACV - 48,01%) và nhóm Chứng khoán SSI (17,16%). Hãng hàng không của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo qua đó cũng sẽ chủ động hơn trong công tác dịch vụ hậu cần.
Thời điểm cổ phần hoá SGN cuối năm 2014, Đầu tư Khai thác Cảng cùng Vietjet và Công ty CP Đầu tư và Thương mại Hoàn Lộc Việt là 3 nhà đầu tư chiến lược, mua thoả thuận lần lượt 13%, 4% và 2,25% cổ phần SGN, với giá theo hợp đồng là 14.100 đồng/CP, thời hạn nắm giữ cổ phần là 5 năm.
Trong cơ cấu nhân sự SGN, ông Trần Dương Ngọc Thảo, thành viên ban kiểm soát hiện cũng là Trưởng ban kiểm soát của Vietjet Air.
Ngành nghề kinh doanh của SGN là khai thác kết cấu hạ tầng, trang thiết bị của Cảng hàng không, sân bay; cung ứng dịch vụ bảo dưỡng tàu bay, phụ tùng, thiết bị hàng không; cung ứng các dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất...
Theo báo cáo tài chính năm 2018, doanh thu hợp nhất SGN đạt hơn 1.288 tỷ đồng, tăng trưởng 16% so với năm 2017 và vượt 6% so với kế hoạch năm 2018. Lợi nhuận sau thuế năm 2018 đạt 263 tỷ đồng, vượt 18% so với kế hoạch đề ra. Cổ đông lớn nhất của SGN hiện là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) với tỷ lệ sở hữu hơn 48%.
Hiếu Nguyễn