Đau đớn hơn, một số chính khách còn cho rằng, thực tế đó đang diễn ra tình trạng nhiều kẻ đã lợi dụng chức vụ để tham nhũng trong khi thực thi các vụ án tham nhũng và đó cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất cập trên.
Tuyên “hùng hồn” thu chẳng được là bao!?
Việc nhiều đại án tham nhũng được đưa ra xét xử, như vụ án tham nhũng xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính II (ALC II) trực thuộc Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam; vụ án Tham ô tài sản, Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam và thời gian tới, nhiều vụ án khác sẽ được đưa ra xét xử là vụ án tại ngân hàng ACB liên quan đến Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên)...
Hậu phiên tòa xử vụ án Vinalines - Liệu có đòi được số tiền 110 tỷ đồng mà tòa tuyên bị cáo Dương Chí Dũng buộc phải bồi hoàn cho Nhà nước!?
Vũ Quốc Hảo, Đặng Văn Hai trong vụ án xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính II, bị cáo Dương Chí Dũng, bị cáo Mai Văn Phúc trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bị tuyên án tử.
Án đã tuyên và dư luận thì đặt ra câu hỏi, số tiền mà họ tham nhũng và gây thất thoát Nhà nước liệu có thu hồi được? Theo tìm hiểu của PV thì những vụ án trước đó như Lã Thị Kim Oanh, Tăng Minh Phụng... đều ở tình trạng tham ô nghìn tỷ, thi hành án thu về ... vài xu. Họ đã bị đi tù, bị thi hành án tử, vậy là xong sao? Người ta bảo rằng, Tăng Minh Phụng, Lã Thị Kim Oanh tham ô nhỏ như thế, không thu được thì những nghìn tỷ sau này, thu kiểu gì?
Một chuyên gia pháp lý cho biết, hiệu quả công tác truy thu tiền tham nhũng trong các vụ án tham nhũng ở nước ta hiện rất thấp. Bình quân chỉ đạt 20% số tiền buộc phải thu hồi, có nhiều vụ án thu được cũng chỉ đạt tầm 10%. Đây là một nghịch lý khó hiểu, tồn tại lâu nay. Do đó, có chính khách lo ngại, đặt ra thi hành án dân sự trong các vụ án tham nhũng chỉ là hình thức, xem ra là có cơ sở.
ĐBQH Nguyễn Thị Khá.
Có hiện tượng phạm tội chồng lên tội phạm!?
Trao đổi với PV, ĐBQH Nguyễn Thị Khá thừa nhận, đó là một thực tế đã tồn tại rất lâu, phản ánh sự yếu kém trong công tác thi hành án các vụ án tham nhũng của nước ta. Vấn đề này đã được ĐBQH Nguyễn Thị Khá đặt ra và chất vấn trước Quốc hội từ nhiều khóa nay nhưng đến giờ nó vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ, chưa có câu trả lời chính thức từ phía cơ quan chức năng. Theo bà Khá, sự yếu kém trong việc thi hành án dân sự các vụ án tham nhũng dẫn đến số tiền thu về không là bao so với số tiền mà các bị cáo đã tham nhũng dẫn tới gây thất thoát ngân sách Nhà nước.
Nữ ĐBQH này cho rằng, nguyên nhân để xảy ra tình trạng trên xuất phát từ công tác xử lý pháp luật, người chịu trách nhiệm thực hiện không thực hiện đến nơi đến chốn. Không có biện pháp quyết liệt, quy trách nhiệm dẫn tới người thực thi làm việc không triệt để. Đặc biệt, trong khi thi hành án tham nhũng cần thiết phải quy trách nhiệm cá nhân, không thể để chuyện làm đến đâu cũng được.
Thực tế, số tiền thu về được trong các vụ án tham nhũng chỉ được một phần nhỏ so với số tiền tham nhũng và ĐBQH Nguyễn Thị Khá cho rằng, có vấn đề trong công tác thi hành án và bà cho rằng thực tế đang tồn tại hiện tượng phạm tội chồng lên tội phạm. Có nghĩa là người thi hành án dân sự trong vụ án tham nhũng cũng có khả năng tham nhũng trong khi thi hành án. Họ cố tình bưng bít thông tin hoặc làm không đến nơi đến chốn dẫn tới không thể truy thu số tiền mà các bị cáo buộc phải bồi hoàn lại cho Nhà nước. Đây là nguyên nhân nguy hiểm nhất, luật của chúng ta "còn hở" nên để có những kẻ cơ hội đục nước béo cò, cần thiết phải có biện pháp ngặt nghèo hơn để chống lại thực tế này.
Ngoài ra, một nguyên nhân nữa dẫn tới việc thi hành án không truy thu được số tiền mà các bị cáo đã tham nhũng là vì số tiền đó đã được các bị cáo tìm cách tẩu tán từ trước hoặc số tiền này đã được ăn tiêu vô tội vạ nên trên thực tế số tiền trên đã không còn trên danh nghĩa của bị cáo nữa.
"Trong vụ án tại Vinalines, tôi thực sự rất phẫn nộ trước việc bị cáo Dương Chí Dũng nói rằng, số tiền mua hai căn nhà cho vợ bé của bị cáo này là lấy tiền của vợ cả. Đây là một việc không thể xảy ra trên thực tế, cách biện minh của bị cáo Dương Chí Dũng tại phiên tòa là đại diện cho thủ đoạn cố tình bao che, biển thủ, chuyển đổi tiền tham nhũng của những bị cáo trong các vụ án tham nhũng. Chính vì điều này, trong công tác xác minh tài sản, cần thiết phải có sự quyết liệt, thông minh nhằm lột trần được thủ thuật của các bị cáo", bà Khá phân tích.
Cũng liên quan đến hiện trạng này, Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình từng cho biết, hy vọng thu hồi 100% thất thoát là khó thực hiện. Chúng ta có một hạn chế là chỉ khi nào những tài sản được chứng minh là bất hợp pháp, phạm tội thì mới được thu hồi. Có một thực tế, công tác thi hành án chẳng kể dân sự, hay hình sự, nhất là với các án tham nhũng này là rất khó khăn. Dù biết là số tiền tham nhũng nhiều nhưng biết thu ở đâu? Ngay khi mới phạm tội, kẻ tham nhũng đã tìm cách tẩu tán tài sản. Nào đứng tên vợ, tên con, tên người thân, nhất là gửi tại các ngân hàng ở nước ngoài.
Trinh Phúc - Phạm Thiệu