Trước thềm lễ kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với VCCI và gặp gỡ đại diện giới doanh nhân Việt Nam vào chiều 7/10.
Tại Hội nghị, nhiều đại biểu đóng góp ý kiến nhằm tháo gỡ khó khăn và xem xét các vấn đề về pháp lý cho doanh nghiệp, trong đó có những vướng mắc còn tồn tại trong một số luật hiện hành và mong Quốc hội sớm sửa đổi.
“Ma trận” văn bản pháp luật
Tại hội nghị, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, thời gian vừa qua, sự phát triển kinh tế của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam gắn liền với các dấu mốc đạo luật quan trọng.
Cụ thể, Luật Doanh nghiệp năm 1999 tạo ra một bước ngoặt đối với sự phát triển doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, hay Luật Đầu tư năm 2005 và quá trình phân cấp sau đó, tạo ra sự bùng nổ với đầu tư tại các tỉnh, thành phố.
“VCCI là cơ quan thường xuyên làm việc, giao tiếp với các cơ quan Quốc hội, cho nên chúng tôi hiểu rõ và thấy những chuyển biến rất mạnh mẽ của Quốc hội. Trong đó, chất lượng hoạt động lập pháp gần đây đã có sự thay đổi hết sức ấn tượng, nhiều đại biểu đã nói về sự chủ động của Quốc hội cao hơn và kỳ vọng Quốc hội lần này sẽ có một kỳ rất khởi sắc”, ông Tuấn nói.
Theo Trưởng ban Pháp chế VCCI, hiện nay, có một số vấn đề chồng chéo, xung đột pháp luật đối với các doanh nghiệp. Ví dụ như một dự án đầu tư hay một doanh nghiệp hoạt động phải chịu sự điều chỉnh của rất nhiều hệ thống pháp luật khác nhau, tuân thủ luật nào, theo thời điểm hiệu lực ra sao, thủ tục nào trước, thủ tục nào sau, cơ quan nào có thẩm quyền vẫn là một vấn đề rất lớn. Do đó, các dự án cứ chạy vòng vòng và doanh nghiệp phải mất rất nhiều công để làm thủ tục.
"Hay dưới các luật này lại có các thông tư, nghị định hướng dẫn và mỗi văn bản thay đổi rất nhanh, tạo ra sự chưa đồng bộ, dẫn đến các cách hiểu khác nhau. Chỉ cần một trục trặc trong “ma trận” văn bản này, thì dự án có thể bị tắc, bị dừng", ông Tuấn chỉ rõ.
Vấn đề tiếp theo ông Tuấn nêu ra là hệ thống tổ chức doanh nghiệp chưa thống nhất, tiếp cận còn phân mảnh và khác biệt.
Cùng là doanh nghiệp, nhưng phần lớn có những doanh nghiệp hoạt động theo luật riêng, như doanh nghiệp trong lĩnh vực đấu giá, luật sư hay luật kinh doanh bảo hiểm,... tạo ra sự bất bình đẳng và những trục trặc trong quá trình vận hành.
Vừa qua có rất nhiều mô hình kinh doanh mới, công nghệ tạo ra sự thay đổi lớn, nhưng cách tiếp cận về khuôn khổ pháp lý chưa thống nhất. Cách tiếp cận của hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay đang không đồng bộ, cho nên vai trò của Quốc hội là rất quan trọng trong thời gian tới.
Ông Tuấn cũng đánh giá, hiện nay xu hướng một số luật đang trao quyền trực tiếp cho các Bộ quá nhiều. Theo luật ban hành thì thông tư từ các Bộ không được quy định về thủ tục hành chính, không được đặt ra điều kiện kinh doanh, nhưng trong điều luật của Quốc hội thông qua thì lại giao quyền cho các Bộ quyết định về thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh nên chưa đúng tinh thần của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.
Sẽ rà soát và sửa đổi trong năm 2022
Về vấn đề các quy định luật, ông Hoàng Thanh Tùng - Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, vừa qua, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội được giao nhiệm vụ xây dựng đề án luật, pháp lệnh năm 2021-2026 với 8 định hướng lớn trong các lĩnh vực kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh…
Theo ông Tùng, nhiều kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua đã được ghi nhận và được đưa vào như một nhiệm vụ lập pháp để có thể sửa đổi các quy định cũ, không còn phù hợp. Từ đó, có thể nhanh chóng hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân ngày càng phát triển.
Về kiến nghị của VCCI trong việc rà soát ngay lập tức các luật liên quan đến pháp luật kinh doanh đang là rào cản gây cản trở kinh doanh, ngày 5/10 vừa qua Quốc hội đã trình đề xuất "1 luật sửa 10 luật" trong đó có sửa đổi nhiều luật quan trọng như Luật Điện lực, Luật Hải quan, Luật về PPP, Luật Nhà ở…
“Nhưng sửa như thế nào, sửa hoàn toàn như Chính phủ trình hay mở rộng thêm các vấn đề để sửa đổi thì chúng tôi sẽ có sự tham mưu, lấy ý kiến trong thời gian tới”, ông Tùng nói.
Về đề xuất sửa Luật Đất đai, ông Tùng thông tin thêm rằng Luật Đất đai đã được mang vào vào Chương trình Xây dựng luật năm 2022.
“Luật Đất đai sửa đổi sẽ được Quốc hội lần đầu cho ý kiến vào kỳ họp tháng 5/2022 và cho ý kiến lần 2 và thông qua tháng 5/2023. Trong trường hợp Dự thảo Luật có sự chuẩn bị tốt, thì có thể sẽ được thông qua vào năm 2022. Đây là luật quan trọng, có tác động rất lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Tùng nói.
Còn về đề xuất sớm sửa đổi Luật Giao dịch điện tử, ông Tùng nhất trí cao về ý kiến đề xuất sẽ sửa đổi sớm Luật này.
“Luật này đã được ban hành vào năm 2005, nhiều quy định đã trở nên rất cũ và cần được sớm sửa đổi. Theo dự kiến năm 2022 sẽ rà soát sửa đổi luật này và nếu kịp thì sẽ mang vào chương trình nghị sự cùng năm, nếu muộn sẽ chuyển sang năm 2023”, ông Tùng nói.
Về vấn đề luật hoá Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu, vị Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, đây cũng là vấn đề ưu tiên và được đưa vào trong chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2022.
Ngoài ra, cũng theo ông Tùng, về Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Đầu tư 2020, Luật về PPP, Luật Kinh doanh bất động sản cũng nằm trong chương trình sửa đổi.
Cuối cùng, ông Tùng nhấn mạnh trong quá trình sửa đổi tất cả các đạo luật quan trọng này đều ghi nhận ý kiến đến từ VCCI và cộng đồng doanh nghiệp.
“Đây là những ý kiến quan trọng giúp quá trình lập pháp có thể xây dựng được những quy định tạo thuận lợi cho doanh nghiệp”, ông Tùng nói.
Xem thêm:
Doanh nghiệp gửi gắm tâm tư tới Chủ tịch Quốc hội