Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, từ năm 2013, Thủ đô đã cấm các loại phương tiện như xe 3 bánh, xe thô sơ chở hàng cồng kềnh, chở vật liệu xây dựng.
Tuy nhiên, tình trạng này vẫn tái diễn thời gian vừa qua, đặc biệt là ở khu vực ngoại thành. Sau 2 vụ tai nạn tôn cứa khiến 1 cháu bé 9 tuổi và một cụ bà 66 tuổi tử vong vừa qua, vấn đề này lại một lần nữa được nhắc đến khẩn thiết về tính an toàn của các loại phương tiện giao thông này. Có nên cấm, cấm như thế nào, có triệt để được hay không là câu hỏi mà dư luận hiện rất quan tâm.
Trao đổi mới đây với PV báo Người Đưa Tin, Ths. Vũ Anh Tuấn, giảng viên bộ môn Quy hoạch và quản lý GTVT, ĐH GTVT Hà Nội cho biết: Kể cả các loại xe tải chở hàng nhưng không được che đậy cẩn thận thì vẫn hoàn toàn có khả năng gây ra tai nạn với những loại hàng hóa cồng kềnh chứ không chỉ riêng gì xe ba gác, xe thương binh, xe tự chế.
Bên cạnh đó, việc xem xét cấm các loại xe này lưu hành trên đường chắc chắn sẽ cần những văn bản chính thức. Trong khoảng thời gian chờ đợi đó, cần phải có những tính toán hợp tình, hợp lý, vừa đảm bảo an toàn giao thông, vừa phù hợp với môi trường đô thị Việt Nam hiện nay.
Ths. Vũ Anh Tuấn phân tích, với đặc thù các đô thị lớn tại Việt Nam hiện nay như Hà Nội và TP.HCM có những đường, ngõ nhỏ mà xe ô tô tải, xe ô tô chở hàng không thể nào len lách vào được, nếu cấm sử dụng hẳn các loại xe cơ giới mang tính tự chế như kể trên thì chắc chắn ảnh hưởng tới nhu cầu vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng của người dân trong các khu dân cư này. Đặc biệt là các ngõ sâu, ngoằn nghoèo, dài.
“Không thể dừng nhu cầu xây dựng, vận chuyển của người dân được. Nếu không dùng những loại xe chở hàng loại nhỏ như xe ba gác, xe thương binh thì sẽ dùng phương tiện nào để chuyên chở?
Nếu dùng các loại khác như xe bò hoặc vận chuyển bằng sức người thì mức độ nguy hiểm cũng không kém phần. Việc để bất kỳ phương tiện giao thông nào lưu hành trên đường cũng phải đảm bảo các tiêu chuẩn cho người dân về sự an toàn, bao gồm an toàn cho chính người điều khiển phương tiện, an toàn cho phương tiện và cả cho chính những người xung quanh.
Vì vậy, trước mắt, nên có những tính toán chỉ cho loại xe này chạy vào những khoảng thời gian nhất định trong ngày. Theo tôi, khoảng thời gian tốt nhất, ít ảnh hưởng nhất tới đời sống dân cư là từ 1 đến 5 giờ sáng”, Ths. Vũ Anh Tuấn đề xuất.
Chuyên gia giao thông này cũng khẳng định sự tán thành với đề xuất của CSGT Hà Nội về việc cấm các loại phương tiện chở hàng cồng kềnh, nguy cơ gây mất an toàn trong đô thị.
Cũng trong một trao đổi mới đây với PV báo Người Đưa Tin, trung tá Hoàng Văn Đạo, nguyên Đội trưởng đội CSGT số 11, Hà Nội chia sẻ, thời gian còn công tác, một trong những vấn đề khiến ông phải đau đầu nhất là việc giả mạo xe thương binh chạy trên đường phố rất khó kiểm soát.
“Nhiều người còn trẻ măng cũng lái xe thương binh, chở hàng cồng kềnh như chỉ có một mình mình đi trên đường vậy. Chúng tôi cũng đã xử lý rất nhiều những trường hợp như vậy, tuy nhiên tình trạng này vẫn còn. Xe thương binh thì ít mà giả mạo thương binh thì nhiều. Vì vậy, thời gian sắp tới, cũng cần các cơ quan chức năng phải có những biện pháp siết chặt vấn đề này”.
Một trong những trăn trở khác của vị này là việc, trước đó Hà Nội chỉ cho phép lưu hành các loại xe thương binh chủ yếu để phục vụ cho việc di chuyển chứ không chuyên về việc vận chuyển hàng hóa mang tính chất thương mại. Vì vậy, việc này cũng cần phải làm rõ nếu trong thời gian tới chưa thể đi đến việc cấm hoàn toàn.
Trung tá Hoàng Văn Đạo bày tỏ sự tiếc thương và chia sẻ với gia đình những nạn nhân gặp tai nạn tử vong vừa qua. Ông cũng cho biết, thời gian trước đó, CSGT Hà Nội cũng đã có tham mưu cho công an thành phố Hà Nội về việc đề xuất cấm các loại phương tiện như xe ba gác, xe ba bánh, xe thương binh, xe tự chế, tuy nhiên cho tới nay vẫn chưa có quyết định sau cùng cho vấn đề này. Vì vậy, thời gian tới đây, việc tiến tới cấm hoàn toàn các loại phương tiện cơ giới mang tính tự chế này là hết sức cần thiết.
Đỗ Huệ