Quan niệm của dân gian cho rằng, một số món ăn được chế biến từ cóc như thịt cóc, bột cóc, chả bông cóc… là loại thực phẩm đặc biệt được sử dụng trong việc chữa bệnh còi xương, suy dinh dưỡng ở trẻ em. Chính điều này đã khiến các bậc phụ huynh không ngần ngại bỏ ra từ 800 -1,2 triệu đồng để mua về 1kg chà bông cóc cho con tẩm bổ. Nhưng người chế biến cóc thì không theo một công nghệ nào nên thịt cóc dù đã qua sơ chế vẫn có thể nhiễm độc, gây nguy hiểm cho người tiêu dùng.
Bán cóc dạo đang trở thành nghề mưu sinh của nhiều lao động
Hiện nay có nhiều "thợ" đi bán thịt cóc và làm thịt tại chỗ để bán cho người tiêu dùng. Nguy hại hơn, sau khi làm chà bông, không ít người còn bỏ vào một chất bột màu nâu đục được nghi là hóa chất tăng trưởng có thể gây tác dụng ngược lại. Đó là chưa kể, nếu ăn thịt bị dính "nhựa cóc" có khả năng gây ảo giác, nghẽn mạch và tăng huyết áp, thậm chí tử vong. Ngoài ra, một số loài cóc còn chứa cả độc tố tetrodotoxin thông qua cơ chế cộng sinh với một số vi khuẩn…
Theo một bác sĩ Đông y, việc ăn thịt cóc, đặc biệt là thịt cóc có chứa phụ gia hay tẩm hóa chất nghi là chất kích thích tăng trưởng rất dễ xảy ngộ độc. Đây thường là các ca ngộ độc nặng, có thể bị tử vong, ngay cả khi được đưa vào cơ sở y tế có điều kiện hồi sức cấp cứu tốt.
Bệnh nhân ăn thịt cóc bị nhiễm độc thường có các biểu hiện: Loạn nhịp tim, tụt huyết áp hoặc đôi khi là tăng huyết áp, khó thở, thở yếu, ngừng thở, co giật, ảo giác, buồn nôn... Theo bác sĩ Đào Thị Yến Thủy, thì thịt cóc nói chung và chà bông cóc nói riêng đúng là một thực phẩm rất giàu đạm và kẽm, có tác dụng bồi bổ sức khỏe tốt. Tuy nhiên, chỉ nên sử dụng sản phẩm chế biến sẵn, được cấp phép đàng hoàng (Viện Dinh dưỡng cũng có sản phẩm này), không nên tự làm hoặc mua của người hàng bán rong. Bởi không ai có thể đảm bảo chất độc trong quá trình chế biến không bị dính sang thịt cóc hay có bị tẩm thêm hóa chất.
Chuyên gia dinh dưỡng tại TP.HCM Nguyễn Kim Hưng cho biết: "Đúng là thịt cóc giàu chất dinh dưỡng nhưng nhiều thực phẩm khác cũng có lượng đạm ngang bằng. Lượng đạm trong thịt cóc cao (khoảng 22%) nhưng chỉ tương đương với thịt ếch và thịt gà, lượng kẽm thì không bằng các loại hải sản. Vì vậy, nếu cần bổ dưỡng thì nên chọn các loại thực phẩm trên vừa ngon vừa an toàn lại rẻ hơn thịt cóc gấp nhiều lần".
Kích thích bệnh nhân nôn khi bị nhiễm độc Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Võ Hinh khuyến cáo, nếu ăn phải thịt cóc hay chà bông cóc nghi nhiễm hóa chất, biểu hiện bằng các triệu chứng lâm sàng ngộ độc, cần phải nhanh chóng kích thích cho bệnh nhân nôn ói ra càng nhiều càng tốt. Sau đó, người nhà nên đưa ngay bệnh nhân đến các bệnh viện để được xử lý kịp thời. Nếu để lâu, độc tố có thể tấn công và gây tử vong bất cứ lúc nào. |
Công Thư - Thanh Tùng