Vốn đang làm việc văn phòng ổn định tại Tp. Đà Nẵng, nhưng sau một thời gian gắn bó, chị Mai Thị Thu Sương (SN 1996, trú thôn Nhuận Sơn, xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) nhận thấy công việc làm công ăn lương không thể phát huy tối đa khả năng bản thân nên quyết định về quê để tìm hướng đi mới.
Thời điểm này, chị thấy gia đình bên chồng có diện tích đất trồng sen khá lớn nhưng cho hiệu quả kinh tế kém, nên nảy sinh ý tưởng khởi nghiệp ngay trên chính vùng đất quê hương với mô hình nuôi ốc bươu đen.
Năm 2019, chị Mai Thị Thu Sương thuê người cải tạo ao hồ trồng sen của gia đình chuyển qua nuôi ốc bươu đen trên diện tích 2000m2. Ban đầu, chị mua ốc của người dân địa phương bắt ở khe suối, ruộng đồng về thả nuôi nhưng chưa có kinh nghiệm nên ốc chậm lớn, năng suất thấp. Không nản chí, chị Sương vào các tỉnh phía Nam tìm hiểu thực tế tại các mô hình nuôi ốc để học hỏi.
"Ốc bươu đen là loài ăn sạch, ở sạch, nên nguồn thức ăn và môi trường nước phải luôn sạch sẽ. Không thể cái gì cũng cho ốc ăn, sẽ khiến ốc rất dễ bị nhiễm bệnh và dẫn đến chết dần.
Vì thế tôi tự trồng rau, quả, bèo và hái lá cây ngoài tự nhiên để làm thức ăn sạch nuôi ốc, không sử dụng các loại bột công nghiệp giúp nâng cao chất lượng con giống cũng như chất lượng thịt ốc", chị Sương chia sẻ với Dân Việt.
Để ốc bươu đen sinh trưởng thuận lợi, chị Sương tạo môi trường ao nuôi có đầy đủ bèo, hoa sen, hoa súng giống với ao ngoài tự nhiên. Cũng nhờ đó mà nguồn nước luôn được điều tiết làm sạch. Đặc biệt, lớp bèo trên mặt ao như tấm áo che chắn hạn chế lượng nước mưa trực tiếp đổ xuống. Nhờ vậy, độ pH trong nước ổn định, giúp ốc không bị sốc khi có mưa.
Khi có mưa lớn hoặc mưa trái mùa thì ốc rất dễ mắc các bệnh đường ruột, mòn vỏ, mòn đít, sưng vòi. Để phòng bệnh, đều đặn 10 ngày chị tạt vôi bù khoáng giúp tạo điều kiện cho vi sinh vật có lợi phát triển, diệt các loại ký sinh trùng, địch hại, rong tảo và các mầm bệnh trong ao.
Ốc nhồi từ khi thả nuôi đến thu hoạch bán thương phẩm mất khoảng 4 tháng (trọng lượng khoảng 30 con/kg), còn ốc để sinh sản mất khoảng 6 tháng.
Ngoài việc tập trung nuôi ốc bươu đen thương phẩm, chị Mai Thị Thu Sương còn kết hợp với việc cho ấp trứng nở bán ốc giống, chế biến nhiều sản phẩm từ thịt ốc, như ốc hun khói, chả ốc trong ống trúc…
Chia sẻ kinh nghiệm nuôi ốc giống, chị Sương nói, ôc bươu đen thường đẻ trứng vào ban đêm ở bờ ao hoặc trên thân bèo, sau khoảng 8-12 tiếng thì vỏ trứng khô lại thì tôi mới thu gom bỏ vào khay nhựa đặt trên mặt nước trong thùng xốp, hằng ngày xịt nước giữ ẩm. Trứng ốc khi nở thành con mất thời gian từ 15-20 ngày, dưỡng ốc con thêm 14 ngày là có thể xuất bán giống.
Sau 4 năm khởi nghiệp với loài vật "siêu đẻ", chị Sương đã mở rộng trại ốc bươu đen lên 4.000m2, chuyên cung cấp ốc bươu đen giống cho thị trường.
"Ốc giống tôi bán giá 300 đồng/con, ốc thịt 90.000 đồng/kg. Tháng 6/2023, tôi vừa tiếp tục phát triển thương hiệu ốc bươu đen Huy Hoàng thông qua việc chế biến các sản phẩm từ ốc như: ốc nhồi ống nứa, nem lụi ốc, ốc gác bếp.... Mỗi tháng, tôi xuất bán từ 40.000-50.000 con ốc giống và khoảng 1 tạ ốc thịt, đạt doanh thu gần 100 triệu đồng”, chị Sương cho hay.
Theo VOV, không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Mai Thị Thu Sương còn tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương với mức lương 6 triệu đồng/người/ tháng. Nhu cầu tiêu thụ ốc ngày càng lớn, chị Sương mở rộng ao nuôi trên diện tích hơn 4000m2 để thả nuôi ốc, đồng thời chế biến nhiều sản phẩm từ thịt ốc.
“Mô hình nuôi ốc rất hiệu quả nên tôi nhân rộng diện tích ao nuôi. Chính quyền cũng quan tâm ủng hỗ trợ khởi nghiệp trong quá trình nuôi và quá trình xuất bán. Nhiều người dân các huyện Núi Thành và Thăng Bình tới tham quan và học tập kinh nghiệm nuôi ốc. Nuôi ốc nhàn mà kinh tế cao, đầu ra có sẵn”, chị Mai Thị Thu Sương cho biết.
Ốc bươu đen được thị trường ưa chuộng, giúp nhiều bạn trẻ thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Ông Đặng Hữu Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết, tại địa phương có nhiều thanh niên khởi nghiệp từ mô hình nuôi ốc, nuôi cá nước ngọt và cho thu nhập cao. Địa phương luôn đồng hành trong việc kết nối với các đơn vị bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ vốn giúp thanh niên phát triển sản xuất.
“UBND huyện Duy Xuyên cùng các ngành tạo điều kiện hỗ trợ cho các cá nhân đẩy mạnh việc khởi nghiệp sáng tạo, tạo sinh kế, đặc biệt tập trung vào đối tượng thanh niên trẻ. Tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ nhà nước, bản thân các thành viên tích cực thực hiện một số mô hình hoạt động hiệu quả. Cụ thể mô hình nuôi ốc bươu đen bán ra thị trường và chế biến thành các sản phẩm món ăn thực phẩm để bán ra thị trường rất hiệu quả”, ông Đặng Hữu Phúc cho biết thêm.
Minh Hoa (t/h)