Sinh ra ở vùng quê nghèo, bố mẹ làm nông, từ nhỏ Võ Thu Thủy (sinh năm 1993, ở thôn Xuân Ngọc, xã Tam Anh Nam, huyện Núi Thành, Quảng Nam) đã ấp ủ ước mơ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Sau khi tốt nghiệp ngành công nghệ sinh học ở Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng vào năm 2016, Thủy xin vào làm ở Công ty nông - lâm nghiệp và môi trường VN ở tỉnh Thái Nguyên. Tại đây, nữ kỹ sư được tiếp cận với công nghệ nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo một cách bài bản, hiện đại. Sau 2 năm làm việc, Thủy trở về Quảng Nam hiện thực hóa giấc mơ làm giàu trên chính quê hương mình.
"Thời gian đầu khi về quê, tôi lấy sản phẩm đông trùng hạ thảo ngoài Thái Nguyên về bán và thấy nhu cầu thị trường lớn. Tôi nghĩ mình có thể sản xuất được mà tại sao không tự chủ động. Với suy nghĩ đó, tôi quyết tâm khởi nghiệp với loại dược liệu quý này", Thủy chia sẻ với báo Thanh Niên.
Với số vốn vay mượn từ bạn bè và người thân, đầu năm 2019, Thủy đầu tư mua máy móc, lắp đặt phòng nuôi cấy, liên hệ các nguồn nguyên liệu để bắt tay vào thành lập riêng một cơ sở sản xuất nấm đông trùng hạ thảo mang tên Duy Lợi với tổng diện tích hơn 100 m2 tại mảnh đất của gia đình. Đến năm 2022, Thủy thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp - dược liệu Tam Anh Nam cung ứng sản phẩm đông trùng hạ thảo hữu cơ.
Theo báo Quảng Nam, quy trình sản xuất nấm đông trùng hạ thảo của Thủy là dùng nguyên liệu gạo Thiên Ưu và nhộng tằm xay nhuyễn, sau đó hấp tiệt trùng rồi đem cấy giống đông trùng hạ thảo thành phôi nuôi trong vòng 80 ngày với nền nhiệt độ 19 - 22 độ C, độ ẩm 80 - 85% rồi thu hoạch, sấy bằng máy sấy thăng hoa.
Mỗi vụ, cơ sở sản xuất được 56kg nấm đông trùng hạ thảo. Hiện nay, cơ sở cung ứng ra thị trường 4 loại sản phẩm gồm nấm đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa, đông trùng hạ thảo ngâm mật ong, bánh đông trùng hạ thảo và nước đông trùng hạ thảo.
Trên con đường khởi nghiệp, Thủy được Trung ương Đoàn tặng Bằng khen vì đoạt giải thưởng Lương Định Của vinh danh nhà nông trẻ tiêu biểu toàn quốc; giải thưởng khởi nghiệp cấp tỉnh, cấp huyện.
Thủy nói, để có được thành quả ngày hôm nay, đã phải trải qua nhiều gian nan. Ở những mẻ nuôi đông trùng hạ thảo thí điểm, cấy phôi không lên, hoặc khi phôi lên nấm cây èo uột, lưa thưa, hàm lượng dược chất không đạt. Phải mất nhiều thời gian “thi gan”, dốc sức, quy trình nuôi đông trùng hạ thảo hữu cơ mới đạt và ổn định như hôm nay.
Hiện, Võ Thu Thủy đã liên kết với các nông hộ trên địa bàn xã Tam Anh Nam và Công ty Măng tây Gò Nổi (Điện Bàn), Công ty Nấm CNC Phú Yên, Công ty CP Phát triển nông lâm nghiệp và môi trường Việt Nam (Thái Nguyên) để tạo chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ đông trùng hạ thảo hữu cơ.
Riêng liên kết để sản xuất lúa Thiên Ưu, Thủy mua lúa với giá cao hơn thị trường để ổn định thu nhập cho người nông dân. Để tăng quy mô sản xuất nấm đông trùng hạ thảo thời gian tới, Thủy sẽ liên kết thêm với nhiều nông hộ khác trồng lúa.
Nhìn lại con đường khởi nghiệp của mình, Võ Thu Thủy chia sẻ rằng cảm thấy rất hài lòng. Các sản phẩm đông trùng hạ thảo đã khẳng định được thương hiệu, chiếm ưu thế cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại, có mặt tại nhiều đại lý trên toàn quốc, bán hàng trực tiếp cho các cơ sở chế biến dược liệu, bán ở các kênh thương mại điện tử.
Hiện mô hình của cô kỹ sư sinh học nuôi đông trùng hạ thảo đem lại doanh thu khoảng 1,5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên và thời vụ cho 5 lao động địa phương. “Tôi đang nâng sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa từ 3 sao lên 4 sao OCOP. Tôi sẽ mở rộng quy mô sản xuất, cải thiện thiết bị, công nghệ để hướng các sản phẩm ra thị trường nước ngoài”, Thủy chia sẻ.
Võ Thu Thủy cho biết đang phát triển thêm sản phẩm chăm sóc sức khỏe cao cấp với nền tảng đông trùng hạ thảo như yến chưng đông trùng hạ thảo, sâm đông trùng hạ thảo.
“Xu hướng sử dụng công nghệ sinh học vào nuôi trồng sản phẩm dinh dưỡng giá trị cao đang phát triển mạnh. Khi đời sống ngày càng được nâng lên, người dân có nhu cầu đối với các sản phẩm chăm sóc sức khỏe cao cấp”, Thủy nói.
Minh Hoa (t/h)