Hành trình khởi nghiệp với mô hình chăn nuôi gà sạch bền vững của chị Nguyễn Thu Thoan, xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn (Hà Nội), không có từ “bỏ cuộc”, mà chỉ có từ “dám”: Dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân, dám chấp nhận thất bại.
Theo báo Phụ nữ Việt Nam, vốn làm việc trong ngành thú y xã, chị Thoan hiểu hơn ai hết những rủi ro của chăn nuôi gia cầm bởi những đợt dịch bệnh, bão giá. Theo chị Thoan, chăn nuôi theo hình thức thả vườn, gà chậm lớn, tỉ lệ hao hụt do dịch bệnh cao. Còn chăn nuôi gà theo hình thức công nghiệp thì chi phí cao, trong khi giá bán sản phẩm thấp. Để giải quyết những bất cập này, chị đã mày mò nghiên cứu chăn nuôi gà vi sinh.
"Giữa 2017-2018, sau nhiều năm nghiên cứu ứng dụng các loại men vi sinh, thử nghiệm, trả giá để chọn ra loại men ưu việt nhất, tôi bắt đầu hành trình khởi nghiệp từ con gà. Không có tiền trong tay, tôi vẫn quyết định thuê đất cách nhà khoảng 10km. Hàng ngày đi đi về về, chăm sóc 1.500 con gà và 40 con lợn, nuôi hoàn toàn bằng thức ăn ủ men vi sinh để bán cho dự án. Gà nuôi đạt chất lượng tốt nhưng khi bán, người ta chỉ trả giá bằng đúng với gà nuôi theo kiểu công nghiệp: 55.000 đồng/kg. Ức chế, thất vọng, tôi đành rút lui tìm đất thuê chỗ khác, tách rời mô hình dự án để tự làm lại", chị Thu Thoan nhớ lại.
Sang năm 2018-2019, chị Thoan tìm được mảnh đất cách nhà 5 km và xây dựng mô hình của riêng mình. Gây dựng lại trại gà từ đầu, với 500 con gà chuyển về từ trang trại cũ, chị tự xây dựng mảng thị trường cho sản phẩm mình làm ra. Chất lượng gà được ghi nhận. Các nhà phân phối và người tiêu dùng tin tưởng sản phẩm, chị bắt đầu tăng đàn, mở rộng sản xuất. Hành trình đang dần đi vào ổn định, với chuỗi vòng tròn cuốn chiếu để đảm bảo hàng hóa bán đều ra thị trường thì chị bị đòi lại đất.
Cuối năm 2019, chị chuyển trang trại lần thứ 3. Vừa lo chăn nuôi, đảm bảo quy trình nhập-xuất, vừa chăm sóc khách hàng quen, chị thở phào vì công việc tạm ổn. Và năm 2020, trang trại của chị đã đi vào sản xuất ổn định.
Theo tạp chí Nông Thôn Việt, đến nay, chị đang sở hữu trang trại lên đến 3.000 con gà. Mỗi ngày, chị cung cấp ra thị trường khoảng hơn 100 quả trứng gà vi sinh và khoảng 1 tháng sẽ có hơn vài tạ thịt gà để bán ra thị trường.
Với trứng gà, chị bán giá 15.000 đồng/quả. Còn gà thương phẩm, giá bán lẻ trên thị trường khoảng 280.000 đồng/kg trở lên – loại đã làm sạch. Theo chị, đầu ra hiện tại đang dần ổn định, khách hàng ở khắp mọi nơi tìm đến mua. Nhờ có trang trại gà, chị tiết lộ doanh thu đạt đến hơn 500 triệu đồng/năm.
Theo chị Thoan, gà vi sinh khác biệt rõ ràng về chất lượng, người tiêu dùng sẽ biết rõ nhất về điều này. Về dịch bệnh, chị cũng kiểm soát được tốt hơn vì không dùng kháng sinh và thuốc sát trùng, gà nuôi theo tự nhiên nên dễ thích nghi với môi trường tự nhiên và khi thời tiết bất lợi...
Chị nuôi đều là giống gà ri vàng, trọng lượng khoảng 1,4 – 2,2kg/con, nuôi 5-6 tháng là có thể xuất bán được. Do nhu cầu thị trường ngày một lớn, chị muốn có thể mở rộng trang trại và có thể liên kết với các hộ gia đình cùng chung ý tưởng với mình.
Chia sẻ thêm cách nuôi gà vi sinh, chị nói: "Nuôi gà vi sinh tức là toàn bộ thức ăn phải được ủ lên men và trong thành phần thức ăn có những loại thảo dược. Công thức làm thức ăn vi sinh có rất nhiều trong sách vở nhưng để áp dụng thành công, tôi phải thử nghiệm nhiều lần mới tìm ra cách ủ thức ăn ngon và nhanh nhất”.
Về chuồng trại, chị thiết kế theo quy trình xử lý sinh học, sử dụng kỹ thuật "đệm lót sinh học". Sàn của chuồng gà được chị sử dụng trấu, mùn cưa trộn men vi sinh. Phân gà được các loại vi khuẩn khử mùi hôi hoàn toàn. Điều này khiến trang trại gà của chị luôn trong tình trạng sạch sẽ, không có mùi hôi giúp đẩy xa bệnh tật cho đàn gà.
Nói thêm về mô hình này, chị cho biết đây là cách sản xuất nông nghiệp tuần hoàn. Tức là, chị tận dụng nguồn phế phụ phẩm dư thừa từ trồng trọt sang chăn nuôi và tận dụng nguồn phân sạch từ chăn nuôi lại phục vụ trồng trọt. Điều này tạo ra chuỗi khép kín trong sản xuất nuôi trồng.
Với mô hình chăn nuôi này, chị mong muốn giúp cho nhiều người dân biết cách sản xuất mà không lệ thuộc vào hóa chất và không xả thải làm ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, chị muốn mọi người ý thức hơn trong việc làm thực phẩm sạch, bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và xã hội.
Minh Hoa (t/h)