Xuất thân từ con nhà nông, chị Nguyễn Thị Ngọc Lan nỗ lực, vượt khó học tập nuôi ước mơ ổn định cuộc sống về sau.
Năm 2010, chị Lan đỗ vào một trường đại học ở Tp.HCM và học ngành quản trị văn phòng. Tốt nghiệp đại học, thay vì tìm một công việc ở thành phố, chị quyết tâm trở về với khát vọng làm giàu tại quê hương. Khi trở về, việc đầu tiên chị tìm hiểu lợi thế địa phương rồi bắt tay vào tổ chức sản xuất trên chính mảnh vườn của gia đình.
Theo chị Lan, vì xuất thân trong gia đình làm nông, nên từ nhỏ đã quen thuộc với việc chăn nuôi. Để rồi từ đó, chị suy nghĩ nên khởi nghiệp về lĩnh vực này. Cô gái này đã dành nhiều thời gian lên mạng tìm hiểu thêm kiến thức về chăn nuôi quy mô lớn, mặt khác hay lân la đến những người có kinh nghiệm về chăn nuôi cũng như tham gia các lớp học của Hội Nông dân xã Minh Hòa nhằm bổ sung kiến thức về hoạt động mô hình chăn nuôi hỗn hợp.
Kế hoạch của Lan là khởi nghiệp với mô hình chăn nuôi gà lấy giống, lấy thịt, kết hợp nuôi heo rừng và vịt xiêm với vốn ban đầu từ tiền tích lũy, vay mượn của gia đình 250 triệu đồng. Tuy nhiên, vạn sự khởi đầu nan. “Thời gian đầu mới bắt tay vào chăn nuôi gà, do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm nên gà bị nhiễm bệnh và chết một nửa”, chị Lan kể với báo Tiền Phong.
Sau đó, nhờ Đoàn Thanh niên xã tạo điều kiện, chị tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi và tham quan mô hình phát triển kinh tế tại các địa phương khác. Năm 2021, chị vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để mua thêm con giống và cải tạo hai vườn nhà, mở rộng diện tích chăn nuôi, trồng trọt với mục đích phát triển mô hình gà thịt sạch, không sử dụng chất cấm, chất tạo nạc.
Năm 2023, chị có khoảng 3.000 con gà đang lấy thịt và 1.500 con gà từ 1 ngày tuổi đến 1 tháng tuổi. Không chỉ vậy, chị đã nhân rộng mô hình nuôi thêm 200 con vịt xiêm và 50 con heo rừng lai, nhân rộng quy mô lên 7 trại gà, 1 trại heo và 1 trại vịt xiêm.
Theo chị Lan, mô hình chăn nuôi của chị khác với nhiều trang trại khác chính là nuôi sinh thái, nguồn thức ăn hầu hết là tự nhiên và phòng bệnh chủ yếu từ rượu tỏi trộn vào thức ăn. Gà đẻ sinh sản, gà thịt, vịt xiêm nuôi thả tự nhiên, thức ăn là lúa mầm, bắp, cỏ và côn trùng; thức ăn chủ yếu của heo rừng lai từ rau, lục bình. Vì thế, gà thả vườn rất được ưa chuộng, đầu ra ổn định.
Giá thành gà thả vườn 110.000 đồng/kg đối với gà mái; 100.000 đồng/kg đối với gà trống. Vịt xiêm được bán với giá dao động 60.000 - 65.000 đồng/kg. Với heo rừng lai, sau khi nuôi từ 3,5 - 4 tháng sẽ xuất bán với giá khoảng 120.000 đồng/kg. Riêng heo giống bán mỗi con khoảng 1,3 triệu đồng. “Trừ các khoản chi phí, mỗi năm lợi nhuận thu được từ chăn nuôi gần 2 tỷ đồng, chưa kể nguồn thu từ trồng trọt”, chị Lan cho biết.
Theo báo Thanh Niên, ngoài việc làm giàu cho bản thân, chị Lan còn tạo cơ hội cho nhiều thanh niên có việc làm tại trang trại với mức lương ổn định.
Chia sẻ với những ai mong muốn khởi nghiệp theo hình thức tương tự, đặc biệt là với những người trẻ đam mê, có khát vọng kinh doanh làm giàu, chị Lan sẵn sàng hướng dẫn kinh nghiệm mà bản thân đã tích lũy được. Theo chị Lan, đối với việc nuôi gà thả vườn, heo rừng lai cũng như vịt xiêm, cần chú ý đến việc đảm bảo thức ăn sạch tuyệt đối, không được ôi thêu, nấm mốc.
Bên cạnh đó, khi thời tiết thay đổi thì nên xay tỏi ngâm rượu trộn vào thức ăn để cho các vật nuôi có thêm sức đề kháng. Ngoài ra, máng ăn uống phải vệ sinh, sát trùng thường xuyên.
"Đặc biệt, cần rải vôi khu gà ngủ và khu cho ăn, sân chơi của gà để đảm bảo gà luôn khỏe mạnh. Nói chung, phải lưu ý một điều trong chăn nuôi là đừng để vật nuôi mắc bệnh rồi mới chữa trị, mà phải phòng bệnh hơn chữa bệnh", Lan nói.
Với những thành tích đạt được, chị Nguyễn Thị Ngọc Lan đã vinh dự nhận được danh hiệu “Doanh nhân trẻ tiêu biểu” cấp tỉnh, giấy khen của Tỉnh Đoàn. Chị cũng được giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn trao tặng năm 2021.
Minh Hoa (t/h)