Tình yêu mãi là sự trăn trở trong hơi thở thi ca. Bước ra ngoài cuộc sống hiện đại, tình yêu không cần hoàn hảo mà chỉ cần chân thật. Dẫu biết rằng tình yêu và lý tưởng, hôn nhân và thực tế. Sự lẫn lộn giữa hiện thực và lý tưởng sẽ không tránh khỏi sự trừng phạt.
Nằm ngoài quy luật tự nhiên và quan niệm cố hữu của con người, tình yêu "chị - em" ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội hiện đại. Những người yêu nhau trở nên cởi mở, không ngại ngùng trước những cái nhìn ác ý của một vài quan điểm cực đoan.
Để giúp độc giả thấu hiểu vấn đề, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hoà – tác giả của 25 cuốn sách về Tình yêu, Hôn nhân, Gia đình đã có những chia sẻ khách quan, đa chiều về câu chuyện tình yêu "chị - em" này.
PV: Thưa chuyên gia, để nói về tình yêu, khó có thể bàn luận trong tích tắc hay khoảnh khắc cố định của thời gian. Nhưng có lẽ chúng ta vẫn cần hiểu rõ một quan điểm mang tên "Bản chất tình yêu xưa và nay"?
Ông Trịnh Trung Hoà: Dù xưa hay nay thì tình yêu vẫn là một nguồn nước ngọt tận ngầm để khai thác. Nói về yêu thì phải thành một chuyên đề dài vô hạn. Nhưng bản chất tình yêu xưa và nay căn bản ở cụm từ TỐC ĐỘ.
Cách đây 50-60 năm, tình yêu thiêng liêng và cao quý lắm, người ta có thể bỏ ra hàng chục năm để theo đuổi chữ "tình", theo đuổi người mình thầm thương trộm mến. Nhắc đến tình yêu, người ta e thẹn giữ gìn như vật báu. Nhưng bây giờ khác quá. Thời buổi ngày nay, tốc độ tình yêu diễn ra nhanh, kết thúc chóng vánh. Người ta biến tình yêu trở thành vật phẩm trên chuyến bay của những con tàu tốc độ sóng siêu âm.
Câu chuyện tình yêu nảy nở trong hai tiếng bay Hà Nội – Hồ Chí Minh là chuyện xảy ra hết sức bình thường.
Thậm chí những lời nói yêu được gửi đến hàng chục cô gái, chàng trai như một sự lựa chọn đầy ngẫu hứng. Hơn nữa sau khi chia tay, người ta dễ dàng gạt bỏ như chưa từng quen biết. Ấy là chưa nói đến câu chuyện "cơi nới" ngoài luồng.
PV: Có lẽ "tốc độ" trở thành điều trăn trở lớn trong thế giới tình yêu. Nói đến đây tôi bỗng nhớ ra "Yêu" của thi nhân Xuân Diệu rằng: "Yêu, là chết ở trong lòng một ít/ Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu?/ Cho rất nhiều, song nhận chẳng bao nhiêu: Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết".
Hình như bây giờ mọi người thích "chết" vì yêu. Ông có cho rằng, "chết" ở đây là bất chấp lí trí, bất chấp dư luận?
Ông Trịnh Trung Hoà: Để "chết" theo nghĩa đen về tình yêu thì giờ hi hữu lắm nhưng không phải không có. Có kẻ sẵn sàng sát hại người yêu vì người kia buông lời từ chối cơ mà! Nhưng câu chuyện chúng ta nói nghiêm túc có lẽ là sự coi thường tình yêu nhiều hơn, dễ dàng chọn lựa một người bạn tình chóng vánh. Thậm chí li hôn trở thành điều hiển nhiên không hiếm gặp.
PV: Có lẽ tình yêu chẳng hề đơn giản như chúng ta vẫn hay nghĩ. Là thứ tình cảm nằm ngoài quy luật tự nhiên và quan niệm cố hữu của con người, tình yêu chị - em ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội hiện đại. Chuyên gia có thể lý giải nguồn cơn của điều này được không?
Ông Trịnh Trung Hoà: Ở Nhật Bản có tới hơn 30% mối tình chị-em. Đó đâu phải chuyện quá ngạc nhiên? Nhưng câu chuyện tình yêu chị - em thường xảy ra với trường hợp độ tuổi trên 30 chứ ít khi ở độ tuổi ngoài 20.
Phụ nữ ngày nay tuyệt diệu lắm. Họ can đảm, chủ động, giỏi giang và giàu có. Phụ nữ hiện đại yêu thích sự tạo lập sự nghiệp và có những thành tựu nhất định. Họ không cần dựa dẫm vào những người đàn ông lớn tuổi giàu có. Bởi họ không cam tâm cái gọi là "nô lệ" cho của những quẩn quanh con cái, hầu hạ để đánh mất không gian riêng. Điều họ cần là sự tôn trọng và lãng mạn của đối phương chứ không phải sự ép buộc tề gia nội trợ.
Tình yêu chị - em giống như hành trình tìm việc, nghĩa là nó mang tính lựa chọn hai chiều.
Người đàn ông hiện đại trưởng thành bị thu hút bởi mẫu phụ nữ chín chắn nhiều hơn là dễ thương nhõng nhẽo. Họ cảm thấy ngưỡng mộ hình ảnh của một người vợ giỏi giang, bận rộn hơn là những bài ca cơm áo gạo tiền dai dẳng.
Khi sự đồng điệu giao thoa, người ta có sự cảm thông và cảm tình.
Người phụ nữ lớn tuổi tìm thấy tôn chỉ lãng mạn đích thực, được trẻ hoá trong cái nhìn tôn trọng của người đàn ông ít hơn mình vài tuổi.
Người đàn ông thanh tân tìm thấy ở "người chị" kia một tâm hồn trẻ ẩn sau lớp tri thức hào hoa.
Và họ gặp gỡ nhau để thoát khỏi nút thắt của cảm xúc.
PV: Một khi người đàn ông không ngại ngùng sự chênh lệch tuổi tác, bỏ qua mặc cảm về nhan sắc – sự già nua thì chắc chắn, người ấy thật lòng thật dạ để yêu. Vậy có phải vấn đề “phi công trẻ” dần sẽ trở thành xu hướng hôn nhân?
Ông Trịnh Trung Hoà: Rất đúng!
Đã là yêu thì đừng màng tâm đến tuổi tác. Cái quan trọng là kết quả hôn nhân được minh chứng bằng thời gian. Hơn nữa, phụ nữ bây giờ có những bí quyết khiến bản thân trẻ hơn rất nhiều so với tuổi. Trái lại, đàn ông trông thật già nua bởi họ dễ dàng bỏ bê sức khoẻ vào những thú vui vô bổ. Chắc gì người phụ nữ lớn tuổi trông già hơn và người đàn ông ít tuổi trông trẻ hơn. Đừng vội vàng phán xét.
Ngày xưa chuyên "phi công trẻ" xảy ra ít hoặc hầu như không có. Bởi hồi ấy con gái lấy chồng sớm "Lấy chồng từ thuở mười ba/ Đến khi mười tám em đà năm con" thì lấy đâu ra trai trẻ để mà yêu mà lấy. Còn xưa nữa thì người ta lấy vợ lớn tuổi hẳn như một cách thêm người giúp việc. Thế mới có câu chuyện hài hước "Bồng bồng cõng chồng đi chơi/ Đi đến chỗ lội đánh rơi mất chồng".
Quay lại hiện tại, chuyện "phi công trẻ" không phải vài trường hợp lẻ tẻ. Đây là một xu hướng của thời đại nằm trong cuộc cách mạng hôn nhân thế kỷ 21.
PV: Cách mạng hôn nhân thế kỷ 21 ư, thừa ông. Ông có thể nói rõ hơn?
Ông Trịnh Trung Hoà: Chúng ta quá để tâm vào cái nhìn phán xét của người khác mà quên đi chính bản thân mình. Tuổi tác không phải vấn đề quyết định sự hạnh phúc của hôn nhân.
Chuyện tình của tổng thống Pháp Emmanuel Macron (39 tuổi) với phu nhân Brigitte Trogneux (64 tuổi) tốn không ít giấy mực của báo giới. "Hôn lễ thế kỷ" tại lâu đài Winsor của Hoàng tử Harry (33 tuổi) và Meghan Markle (36 tuổi) minh chứng cho tình yêu phá vỡ rất nhiều quy chuẩn của Hoàng gia Anh vốn bảo thủ và truyền thống.
Chẳng có lí do gì để kì thị hay nhìn ngó những cặp vợ chồng "chị - em" với con mắt đa nghi cả.
PV: Không hiếm gặp những cuộc tình chị - em ẩn chứa mục đích lợi dụng. Lợi dụng tình ái, tiền bạc và cả sự nhục dục. Dư luận nhìn nhiều vào tiêu cực để đánh giá bản chất của tình yêu là không nên?
Ông Trịnh Trung Hoà: Nếu đã là lợi dụng tình yêu thì bất chấp độ tuổi chứ không cứ gì là tình “phi công trẻ”. Khi khởi nguồn nhận thức đã mang mục đích thì sự trục lợi từ đối phương là chuyện tất yếu xảy ra. Yêu lợi dụng thì chia tay mà kết hôn lợi dụng thì li hôn. Cuối cùng tình yêu bị bóp méo trở thành một món đồ chơi giữa hai người xa lạ.
PV: Bất kì câu chuyện nào người ta cũng nhìn nhận vào những điều tiêu cực. Có không ít người cho rằng những anh chồng "trẻ" bị các "chị” vợ lừa hay "úp sọt". Thật sự sai lầm. Bởi đã gọi là tình yêu làm sao có thể dối lừa hay ranh mãnh. Hơn nữa dù có bị mê hoặc đến đâu có lẽ con người ta cũng không quá dại dột làm nô lệ cho hai chữ "si tình".
Tôi xin lấy một thuật ngữ không mấy xa lạ là "Li hôn". Nhức nhối hơn bao giờ hết là thực trạng li hôn hiện nay có xu hướng gia tăng – nhất là với những cặp vợ chồng trẻ. Vậy đó có phải là tiếng còi báo động của hôn nhân công nghiệp hay không?
Ông Trịnh Trung Hoà: Mỗi vấn đề, người ta có thể tìm ra được khía cạnh xấu xa của nó đến mức không biệt được đâu là thật tình đâu là lừa gạt. Tuy nhiên, suy cho cùng chúng ta cần phải nhìn nhận vào những trường hợp đại trà và đừng quá tò mò vào những trường hợp hi hữu.
Thứ hai, tỉ lệ li hôn cao là dấu hiệu đáng báo động của chất lượng hôn nhân.
Những người hiện đại ngày một tân tiến, họ đòi hỏi chất lượng hôn nhân tốt hơn. Để cải thiện chất lượng hôn nhân, chúng ta cần những giải pháp cụ thể có tính thực tiễn cao hơn: Giảm cá tính, đề cao sự tôn trọng, trách nhiệm và sự tự nguyện.
PV: Tình yêu vẫn mãi là một ẩn số thú vị mà chúng ta – những tâm hồn nhạy cảm vẫn miệt mài đìm đáp án cho cá nhân mình. Yêu phụ nữ hơn tuổi – lấy chồng kém tuổi, đừng vội đánh giá khi đáp án ở cái kết hạnh phúc bất ngờ.
Cảm ơn chuyên gia về những tâm sự đầy tâm huyết này!