Lặn lội ra Hà Nội kiếm tiền nuôi chồng, con
Chị là con thứ 2 trong một gia đình nghèo có 6 anh chị em người dân tộc Thái (ở Chiềng Ban, Quang Hiến, Lang Chánh, Thanh hóa). Tốt nghiệp cấp 3, thi đại học không đỗ, chị vào Bình Dương làm công nhân may. Năm 2006, sau hai năm đi làm, dành dụm được ít vốn, chị về quê rồi lập gia đình với anh N.V.T hơn chị 8 tuổi, làm nghề lái xe ở thôn bên. Ban đầu, cũng như bao gia đình khác, anh chị hạnh phúc, lần lượt đón con trai đầu lòng N.A.T và con gái N.T.K.H chào đời.
Vốn không nghề nghiệp, lại cũng chẳng có ruộng vườn, chị mở một quán tạp hóa nhỏ, bán hàng phụ chồng. Anh T. chồng chị cũng chăm chỉ lái xe kiếm tiền, mọi sinh hoạt trong gia đình chủ yếu là anh lo toan, gánh vác.
Chị L.T.H khi đang đi làm trong công trường.
Năm 2009, anh T. phải bán chiếc xe (xe đầu ngang bị cấm lưu hành) vốn là cần câu cơm chính của cả gia đình. Bản chất lười biếng, có số tiền lớn trong tay, lại đang thất nghiệp, T. suốt ngày nhậu nhẹt, cờ bạc. Thoáng chốc đã cạn tiền, anh giấu vợ, vay mượn bạn bè, anh em, chơi bời tiếp. Khi mọi việc vỡ lở, chị khuyên anh vào Bình Thuận làm kinh tế với vợ chồng người anh trai. Tám tháng sau, anh trở về với hai bàn tay trắng. Anh càng chán nản rồi biến thành bợm nhâu, chỉ biết say xỉn.
Cửa hàng tạp hóa lợi nhuận chẳng bao nhiêu, thấy không đủ sống, chị quay ra bán quà sáng cho học sinh mầm non, cũng chẳng ăn thua. Chị lại đổi nghề mang thịt lên các vùng cao hơn để bán, được một thời gian hụt vốn chị đành không đi nữa. Cố gắng nhiều mà vẫn thiếu trước hụt sau, một mình bươn trải nuôi hai đứa con thơ không nổi, lại nuôi thêm người chồng suốt ngàỳ ngập trong rượu. Nợ nần chồng chất, không còn lựa chọn nào khác, chị đành lòng gửi đứa con lớn cho mẹ chồng và đứa nhỏ cho người chị chồng ra Hà Nội xin việc ở công trường.
Chị bảo: “Xa con, nhớ chúng nó lắm, ngày nào gọi điện về cả hai mẹ con đều khóc nức nở. Mỗi tháng chị cố gắng thu xếp về thăm con một lần, lần nào về cũng phải trốn đi từ 5 giờ sáng, chị sợ nhìn thấy con khóc không đi nổi”. Làm phụ vữa một thời gian, chị được giao việc đi chợ nấu nướng cho khoảng 20 công nhân, sáng dậy sớm từ 4 giờ 30, tối khoảng 19 giờ là xong việc, trừ những ngày tăng ca. Công việc nhẹ nhàng hơn phụ đi phụ vữa, đi chợ cũng có thêm đồng nào tiêu vặt. Lương mỗi tháng được ba triệu đồng, chị không dám ăn, dám tiêu, dành dụm tiền gửi về quê. “Một triệu chị gửi bà nội nuôi đứa lớn, một triệu gửi cho bác nuôi đứa nhỏ, số còn lại chị gửi cho chồng”, chị H. ngậm ngùi.
Hai bé N.A.T và N.T. K.H ngây ngô tạo giáng trước ống kính
Độc chiêu đòi tiền vợ có một không hai
Một triệu đồng chẳng thấm vào đâu với một người tiêu tiền không biết tiếc như T., cứ mỗi lần tiêu hết tiền anh lại viện cớ để đòi. Lúc thì lấy lý do ốm đau, lúc thì bảo đóng học cho con, lúc bảo đóng tiền lãi ngân hàng, thậm chí có lúc say xỉn anh còn lấy lý do là cần tiền để đi giải quyết sinh lý. “Có lần nửa đêm anh ấy gọi điện trong tình trạng say rượu bảo gửi tiền về cho tao, để tao trả tiền cho cave…”, chị H. nghẹn ngào. Lần nào chị cũng phải xoay tiền gửi về gấp. Biết bị chồng lừa, chị không gửi tiền về thì chị phải hứng chịu sự nhục mạ: “Mày thiếu gì tiền, vẫy tay một cái là bằng cả tháng tao đi xe. Chị đau đớn đến nỗi chỉ muốn chết đi cho rồi, nhưng vì nghĩ đến hai đứa nhỏ chị lại không đủ dũng cảm để làm việc đó”, chị nói.
Khi không còn cách nào để đòi tiền, T. víu vào hai đứa con nhỏ. Anh bắt A.T và K.H về ở cùng mình. “Con tôi tôi nuôi, tôi đã chết đâu mà đến lượt bà” anh T chửi vào mặt chị gái rồi lôi con về, mặc chúng gào khóc. Có hai đứa nhỏ T. như nắm được đằng chuôi, lần nào cũng vậy, hễ nghe chồng gọi điện là chị phải ứng trước tiền công, hoặc vay mượn để gửi về. Có tiền, T lại mang nướng vào cờ bạc, rượu chè. Có lần chưa đầy tuần T. đã tiêu hết ba triệu, hắn lại vòi tiền chị. Cứ không đòi được tiền thì T. trở mặt chửi mắng nhục chị như con vật: “Con chó, mày gửi tiền ngay cho tao, nếu không đừng có trách tao, tao mà ra được thì cái thân chó mày nát với tao…”.
Tức vì vợ không gửi tiền, T quay ra hành con để dằn mặt chị. T. khóa cửa bỏ đi thâu đêm, để hai đứa khóc vì sợ. Lúc bắt chúng phải nghỉ học ở nhà. Lúc thì đánh con vô cớ rồi bắt chúng gọi điện cho mẹ. Độc ác hơn khi hai đứa nhỏ đi học chiều về, T bắt hai đứa nhỏ nhịn ăn, để chúng khóc lóc cả đêm vì đói. Tối hôm đó bé K.H gọi điện khóc bảo mẹ ơi con đói lắm, bố không cho con ăn cơm. “Nghe con nói thế, chị như chết lặng, chị không thể nào chịu đựng nổi hắn nữa”, chị kể.
Thương con bao nhiêu, chị hận chồng bấy nhiêu, chị quyết định ly hôn, vì chị biết rằng sự chịu đựng mù quáng của chị sẽ càng làm chị khổ và hại đến cả hai đứa con của mình.
(Còn nữa)
Lê Huế