Trợ cấp nhà nước của Indonesia đã đạt 243,1 nghìn tỷ Rupiah (tương đương 17 tỷ USD) vào năm 2021. Con số này vượt quá 39 % so với mức phân bổ ngân sách, đánh dấu mức cao nhất kể từ năm 2014.
Trong năm 2022, Chính phủ Indonesia cho biết sẽ dành 207 nghìn tỷ Rupiah để trợ cấp. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế David Sumual của Ngân hàng PT Bank Central Asia, con số này có thể sẽ gia tăng hơn nữa, trong bối cảnh chi phí năng lượng là một yếu tố khó lường đối với nền kinh tế Indonesia. Ông David Sumual cho rằng giá hàng hóa toàn cầu có thể không cao đến mức của cuối năm 2021, nhưng tổng cầu đang tăng lên do kinh tế trên đà phục hồi.
Các khoản trợ cấp bao gồm điện, dầu diesel, khí hóa lỏng và những khoản khác, đã giúp Indonesia có thể kiểm soát tốt giá cả, bất chấp vấn đề tắc nghẽn chuỗi cung ứng và tình trạng thiếu hàng hóa đã đẩy lạm phát tăng cao ở những nơi khác trên thế giới. Ví dụ: Trong năm 2021, xăng loại thông thường tại Indonesia có giá 6.450 Rupiah (0.45 USD)/lít. Nhưng tại nước láng giềng Philippines, giá bán lẻ của nhiên liệu có trị số octan tương tự cao hơn gấp đôi, ở mức 58 Peso (1,13 USD)/lít.
Chính phủ Indonesia đang tìm biện pháp nhằm thực hiện cam kết cân bằng thâm hụt ngân sách trong giới hạn pháp lý là 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm tới, đồng thời theo dõi diễn biến của lạm phát năm nay trong bối cảnh người dân tăng chi tiêu khi nền kinh tế mở cửa trở lại.
Năm 2021, thâm hụt ngân sách của Indonesia ở mức 4,65% GDP, thấp hơn mức ước tính được đưa ra trước đó là trên 5%. Chính phủ nước này cho biết có thể cần thực hiện những biện pháp để cắt giảm con số này xuống còn 4,1% GDP trong năm nay.
Nhà kinh tế cấp cao Nicholas Mapa của hãng dịch vụ tài chính ING Groep NV cho biết Indonesia có thể phải cắt giảm trợ cấp để thực thi cam kết ngân sách. Ông nói thêm rằng: "Họ có thể cân bằng cả hai”, “lạm phát tăng nhẹ trong khi vẫn đảm bảo tiếp tục giảm thâm hụt".
Nhà kinh tế David Sumual thuộc Ngân hàng BCA ước tính rằng mỗi 10% giá nhiên liệu tăng thêm sẽ thúc đẩy lạm phát tăng khoảng 0,2-0,3%. Tỷ lệ lạm phát hàng năm của Indonesia vào tháng 11/2021 là 1,75%, đạt mức cao nhất trong 17 tháng qua nhưng vẫn thấp hơn mục tiêu là 2%-4% của ngân hàng trung ương. Bà Sri Mulyani Indrawati, Bộ trưởng Tài chính Indonesia đã lên tiếng cảnh báo và kêu gọi các quan chức thận trọng với giá hàng hóa và thực phẩm trong năm nay.
Ông Suryo Utomo, Tổng cục trưởng Thuế Indonesia, cho biết chính phủ nước này sẽ tiếp tục đặt mục tiêu tăng nguồn thu ngân sách từ thuế để thâm hụt ngân sách trở về mức luật định 3% GDP vào năm 2023. Luật số 2/2020 về chính sách tài chính quốc gia và ổn định hệ thống nhằm hỗ trợ ứng phó Covid-19 được Quốc hội Indonesia thông qua đã cho phép chính phủ chỉ được vượt quá giới hạn trên trong 3 năm.
Hà Thanh (theo Bloomberg, The Jakarta Post)