Nhiều ý kiến cho rằng, nạn “bôi trơn” ngày càng gia tăng và trở thành rào cản cho sự phát triển nền kinh tế, nguy cơ bẻ cong công lý. Xung quanh vấn đề này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.
PV: Tại phiên xét xử mới đây, cựu Tổng giám đốc Oceanbank khai rằng “mỗi năm chi khoảng 30-50 tỷ đồng cho các đoàn ngoại giao, đối tác, cảm ơn, lễ tết”... Ông có bất ngờ về số tiền "khủng" được chi cho những giao dịch ngầm của doanh nghiệp?
ĐBQH Đặng Thuần Phong: Chi phí ngầm trong các giao dịch của doanh nghiệp đã tồn tại từ rất lâu rồi. Các doanh nghiệp cũng thừa nhận nếu không “bôi trơn”, không có chi phí ngầm khó mà làm ăn suôn sẻ được. Những chi phí “bôi trơn”, đút lót cuối cùng đều được doanh nghiệp bù đắp lại bằng các hình thức gian lận, khai khống suất đầu tư... cuối cùng ngân sách thiệt, người dân thiệt chỉ một nhóm người được hưởng lợi. Tất nhiên, những chi phí ngầm làm méo mó hoạt động của doanh nghiệp, gây mất niềm tin từ phía người dân, nguy cơ bẻ cong công lý.
PV: Không chỉ ở đại án Oceanbank mà trong phiên xét xử VN Pharma, dư luận bàng hoàng khi các bị cáo khai ra số tiền hàng tỷ đồng chi cho các bên liên quan. Xem ra, lĩnh vực nào cũng cần sự “bôi trơn” thì hoạt động của doanh nghiệp mới “thông”?
ĐBQH Đặng Thuần Phong: Đúng vậy! Hiện nay ngành nào, lĩnh vực nào cũng có chuyện chi phí ngầm và họ coi đó là luật bất thành văn. Theo quan điểm của tôi, đây là sự cảnh báo, báo động cho nền quản trị hiện nay và đặt ra vấn đề cấp thiết trong việc chấn chỉnh bộ máy của chúng ta. Chi phí “bôi trơn” cứ tiếp tục gia tăng chắc chắn sẽ là lực cản lớn cho đà tăng trưởng của doanh nghiệp cũng như triệt tiêu động cơ đổi mới.
Theo tôi, trong những vụ án gần đây, khi các bị cáo khai ra như vậy, đây là cơ hội để điều tra mở rộng, nhận diện được vấn đề và xử lý đúng người đúng tội. Làm được điều đó mới lấy lại niềm tin của người dân vào cơ quan công quyền.
Quan điểm của tôi, cơ quan điều tra cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa. Đây là cơ hội điều tra mở rộng vụ án, cụ thể trong vụ án Oceanbank, VN Pharma... nhằm xử lý những hành vi nhũng nhiễu, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của công dân, đe dọa đầu tư của đất nước, hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt hơn hết là ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước.
PV: Có một thực tế tồn tại, doanh nghiệp kiếm được 100 đồng phải chi 10 đồng “phí bôi trơn”. Đâu là nguyên nhân cốt lõi dẫn đến thực trạng này, thưa ông?
ĐBQH Đặng Thuần Phong: Ngành nào cũng có “quyền anh, quyền tôi” ở trong đó và đã tạo thành “ung nhọt” nhũng nhiễu quá lớn. Việc “bôi trơn” khiến đạo đức công vụ của một số cán bộ công chức, viên chức xuống cấp trầm trọng. Ở đây, cần đặt ra câu chuyện về thực thi pháp luật. Thay vì thực hiện đúng quy định của pháp luật, các thủ tục, giao dịch của doanh nghiệp sẽ được hoàn thiện nhanh chóng thì người ta lại lái sang chuyện này chuyện kia, hoặc “ngâm” hồ sơ buộc doanh nghiệp phải “bôi trơn”.
Tôi rất mừng là gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt về việc này, bộ Kế hoạch & Đầu tư đã cắt giảm hàng nghìn danh mục gây khó cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn vấn đề ở hai mặt. Doanh nghiệp tạo cho cán bộ hư, tạo cho cán bộ hỏng thì doanh nghiệp cũng có lỗi.
PV: Còn nhớ, tại nghị trường Quốc hội, ông từng nhắc đến tình trạng thương mại hóa các quan hệ xã hội. Phải chăng, đó là vấn đề bất an hiện nay của xã hội?
ĐBQH Đặng Thuần Phong: Đồng tiền đã chi phối mọi hoạt động và làm phai nhạt tính công tâm của các cơ quan công quyền, đáng lo hơn đồng tiền đã làm suy thoái đạo đức, dẫn dắt chính sách. Tôi đã từng minh chứng cho vấn đề này là chuyện chạy chọt. Ở trong bụng mẹ đã phải chạy chỗ sinh đẻ, rồi chuyện chạy trường, chạy lớp, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, khi vi phạm pháp luật thì chạy điều tra, chạy truy tố, chạy án...
Xu thế chống tham nhũng hiện nay là xử lý lợi ích nhóm, khắc phục hậu quả “trên mở, dưới đóng”- tức là cơ quan quản lý cấp trên chỉ đạo cơ chế thoáng, giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, nhưng cấp tác nghiệp ở dưới lại “đóng”, họ bày ra chuyện nọ, chuyện kia để thao túng, nhũng nhiễu.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Lan Thơm