Sáng 17/8, hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) tổ chức công bố báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ TTHC năm 2018 (Chỉ số APCI 2018) dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Chủ tịch hội đồng.
Đây là lần đầu tiên báo cáo này được công bố.
Theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Phó Chủ tịch hội đồng, đây là báo cáo đánh giá chi phí thực tế mà doanh nghiệp và tổ chức phải chi trả để thực hiện thủ tục hành chính theo quy định hiện hành.
Trên thực tế, đã có nhiều chỉ số khác nhau để đánh giá về các thủ tục hành chính, như các chỉ số môi trường kinh doanh (Doing Business) của ngân hàng Thế giới, chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia của diễn đàn Kinh tế Thế giới. Ở trong nước cũng có các chỉ số như năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)…
Báo cáo dựa trên nền tảng là thông điệp của Chính phủ để phân tích những thành tựu cải cách TTHC của Chính phủ trong năm vừa qua và xác định dư địa cải cách 8 nhóm thủ tục hành chính quan trọng với doanh nghiệp gồm: Khởi sự doanh nghiệp/đăng ký kinh doanh; thuế; đầu tư; giấy phép, chứng chỉ hành nghề; hải quan; đất đai; môi trường; xây dựng.
Phân tích cụ thể hơn về vị trí cuối cùng của nhóm thủ tục xây dựng, báo cáo nêu rõ, mặc dù chi phí thời gian của nhóm này không ở nhóm cao nhất, nhưng chi phí trực tiếp cao vượt trội đã làm nhóm thủ tục này trở nên đắt đỏ bậc nhất. Với mỗi triệu đồng mà doanh nghiệp phải chi trả thì 0,93 triệu đồng là chi phí trực tiếp doanh nghiệp cần để hoàn thiện hồ sơ và 0,07 triệu đồng là chi phí thời gian.
Còn về nhóm thủ tục quán quân là thuế, báo cáo cho biết vị trí quán quân của nhóm thủ tục hành chính có thể được lý giải bởi những nỗ lực cải cách của ngành thuế dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ.
“Công tác chuẩn bị hồ sơ của doanh nghiệp rất phức tạp. Khâu chuẩn bị hồ sơ, hoàn tất chiếm 55% chi phí, là khâu chiếm chi phí lớn nhất, khâu nộp hồ sơ và trả kết quả chiếm 33%. Như vậy, dư địa cải cách còn rất nhiều”, ông Ngô Hải Phan cho biết.
Tạo áp lực và cạnh tranh trong cải cách
Báo cáo cũng cho thấy chi phí thực hiện cùng một thủ tục có sự khác biệt giữa các địa phương.
Chẳng hạn về thủ tục xây dựng, các tỉnh tại vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ có mức chi phí tuân thủ cao nhất, gấp gần 2,3 lần so với mức trung bình trên cả nước. Trong khi đó, mức chi phí tuân thủ tại các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chỉ tương đương 20% mặt bằng chung toàn quốc. Mức chi phí tuân thủ tại các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung lại xấp xỉ mức trung bình trên cả nước.
Khi xét đến từng địa phương cụ thể, tỉnh có mức chi phí tuân thủ lớn nhất vượt mức trung bình cả nước 4 lần và gấp địa phương có mức chi phí nhỏ nhất tới 20,5 lần.
Lý giải về chi phí tuân thủ thủ tục hành chính khác nhau ở các địa phương, ông Ngô Hải Phan cho biết, chi phí tại vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ cao do thời gian chuẩn bị hồ sơ dài, cộng với chi phí trực tiếp cao, gồm cả chi phí không chính thức và chi phí tư vấn.
“Chi phí trực tiếp tại các tỉnh trọng điểm Bắc Bộ cao hơn so với các tỉnh trọng điểm phía Nam, đây là căn cứ để các địa phương chấn chỉnh, kể cả công tác cán bộ. Rồi nếu các dịch vụ tư vấn mà độc quyền thì chi phí tư vấn sẽ cao, nếu có nhiều đơn vị tư vấn thì chi phí sẽ giảm”, ông Phan phân tích và cho rằng, báo cáo sẽ tạo áp lực và cạnh tranh trong cải cách.
Theo doanh nhân Trương Gia Bình và các ý kiến doanh nghiệp tại buổi lễ, báo cáo là hồ sơ rất quý báu. Câu hỏi đặt ra là các bộ, cơ quan, địa phương sẽ sử dụng báo cáo này ra sao?
“Các cơ quan không nên chỉ nhìn vào các con số, mà còn phải nắm được các chỉ số được thiết kế như thế nào. Thứ hai, rất quan trọng, tại sao nơi này làm tốt mà nơi khác chưa làm tốt, do con người hay do điều kiện vật chất, do lãnh đạo không quan tâm? Từ đó, mới tìm ra được cách thức để kéo giảm chi phí thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp”, ông Trương Gia Bình kiến nghị.
Theo Chinhphu.vn