Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) thông tin về chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội đo được trong 24 giờ ngày 6/11, tại 10 trạm quan trắc trên địa bàn thành phố. Kết quả cho thấy, chất lượng không khí tại 10 trạm quan trắc này đều ở mức kém, theo báo Hà Nội Mới.
Cụ thể, khu vực Minh Khai có chất lượng không khí kém nhất, AQI cao 198, tiếp đến là Phạm Văn Đồng 183, Hàng Đậu 177, Thành Công và Trung Yên 3 là 152, Hoàn Kiếm 134, Mỹ Đình 127, Tây Mỗ 125, Kim Liên 115 và Tân Mai 114.
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, nguyên nhân khiến chất lượng không khí ở mức kém là do 2 ngày gần đây, Hà Nội bị bao phủ bởi lớp sương mù, thời tiết khô hanh, nhiệt độ ngày và đêm chênh lệch nhiều... gây hiện tượng nghịch nhiệt khiến các chất ô nhiễm trong không khí không thoát được lên tầng cao để phát thải mà bị giữ lại gần mặt đất, ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội khuyến cáo: Trong điều kiện chất lượng không khí kém, nhóm nhạy cảm (trẻ em, người già và những người mắc bệnh hô hấp) cần hạn chế thời gian ngoài trời, nếu phải ra ngoài, cần sử dụng khẩu trang đạt chuẩn để bảo vệ sức khỏe.
Theo Tổng cục Môi trường thông tin với báo Lao động, tại Hà Nội, đợt ô nhiễm tăng cao trong tháng 9 đã kết thúc vào ngày 3/10, vì vậy trong tháng 10/2019, chất lượng không khí tại Hà Nội tốt hơn hẳn so với tháng 9/2019. Tuy nhiên, một số khoảng thời gian thông số PM2.5 tăng cao và vượt quy chuẩn quy định tại QCVN 05:2013/BTNMT (trung bình 24 giờ), đó là các ngày từ 20 đến 21/10, 25 đến 27/10, 30 đến 31/10.
Kết quả tính toán chỉ số AQI tại các trạm trong tháng 10 cho thấy, có 10/31 ngày có AQI ở mức kém, các ngày còn lại chỉ số AQI ở mức trung bình (AQI>50), riêng ngày 24/10 chất lượng không khí ở mức tốt.
Trong những ngày chất lượng không khí ở mức kém (ngày 26-27/10, ngày 30-31/10), giá trị của thông số PM2.5 thường cao vào khung thời gian ban đêm, khoảng từ 21 giờ hôm trước đến 7 giờ sáng hôm sau. Đây là khoảng thời gian lặng gió và thuận lợi cho hiện tượng nghịch nhiệt - điều này làm tích tụ các chất ô nhiễm trong không khí xuống tầng sát mặt đất.
"Hiện tại, Hà Nội và các vùng khác của miền Bắc đang là mùa đông. Đây là thời kỳ ghi nhận nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí - trong đó có PM2.5 - thường cao nhất trong năm. Người dân cần cập nhật về tình hình ô nhiễm không khí để có những ứng phó phù hợp như: trong những khoảng thời gian ô nhiễm không khí tăng cao hạn chế các hoạt động ngoài trời, hạn chế mở cửa sổ, sử dụng khẩu trang chống bụi" - Tổng cục môi trường cho biết.
Phong Linh (tổng hợp)