Doanh nghiệp phá sản chậm được “chết”
Sáng nay (22/1) tại Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế TW (CIEM) đã diễn ra Hội nghị đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết 19 và giới thiệu Nghị quyết 02 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tổng kết kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 19 hàng năm của Chính phủ, bà Nguyễn Minh Thảo – Trưởng ban Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM) cho hay, trong 5 năm qua môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện cả về điểm số và thứ hạng, tăng 21 bậc so với năm 2015.
Tuy nhiên, trong khi có 6 chỉ số tăng hạng là: Tiếp cận điện năng (tăng 108 bậc), nộp thuế và bảo hiểm (tăng 42 bậc), bảo vệ nhà đầu tư (tăng 28 bậc), khởi sự kinh doanh (tăng 21 bậc), tiếp cận tín dụng (tăng 4 bậc), cấp phép xây dựng (tăng 1 bậc) thì vẫn còn 4 chỉ số bị tụt hạng đó là: Đăng ký tài sản (giảm 17 bậc), thương mại qua biên giới (giảm 25 bậc, theo cách tính mới), giải quyết tranh chấp hợp đồng (giảm 15 bậc) và phá sản doanh nghiệp (giảm 29 bậc).
Đánh giá về kết quả nói trên, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung (Viện trưởng viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế TW, Thành viên tổ Tư vấn kinh tế của Chính phủ) nhận định, chỉ số kinh tế thị trường của ta chỉ đạt 52/100 điểm, còn thấp.
“Sở dĩ có tình trạng này vì 2 chỉ số quan trọng của môi trường kinh doanh là phá sản doanh nghiệp và giải quyết tranh chấp hợp đồng của ta bị tụt hạng. Nói nôm na, một doanh nghiệp (DN) nộp đơn xin phá sản nhưng mãi không được “chết” khiến tài sản đó chậm được chuyển sang cho DN khác, tranh chấp hợp đồng không được giải quyết sớm để nguồn lực đó nhanh chóng được chuyển hóa vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Vì 2 “điểm nghẽn” này mà mức độ thị trường của nền kinh tế không thể vượt lên được” - ông Cung nói.
Vì sao “điểm nghẽn” này 5 năm không những không cải thiện mà còn bị tụt hạng? TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng lý do là vì 2 chỉ số quan trọng của môi trường kinh doanh này đang nằm trong thẩm quyền của Tòa án – là đơn vị không có nhu cầu làm luật nên bao lâu nay không thay đổi gì cả.
Từ thực tế trên, Viện trưởng CIEM nêu kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có động thái nhất định thúc đẩy Tòa án cải thiện tình trạng giải quyết hai lĩnh vực nói trên.
“Hiện nay môi trường kinh doanh của Việt Nam đang đứng thứ 69/190 thế giới và đứng thứ 5 trong khối ASEAN (sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và Brunei). Mục tiêu sắp tới của chúng ta là vượt Brunei để vươn lên vị trí ASEAN 4. Nếu 2 chỉ số phá sản doanh nghiệp và giải quyết tranh chấp hợp đồng của ta không cải thiện thì không thể lên được ASEAN 4” – ông Cung nhận định.
Cắt giảm điều kiện kinh doanh nặng về hình thức
Một trong những nội dung chúng ta nói nhiều nhất trong năm qua để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đó là cắt giảm điều kiện kinh doanh tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên thực tế triển khai, theo bà Nguyễn Minh Thảo, các bộ ngành báo cáo cắt giảm 60-70% nhưng thực chất chỉ khoảng 30%. Trong đó một số lĩnh vực cắt giảm chưa đạt yêu cầu, ví dụ số lượng các mặt hàng của kiểm tra chuyên ngành đang 19% cần giảm xuống dưới 10%.
“Kết quả khảo sát doanh nghiệp của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây cho biết, 57% DN đánh giá thủ tục kiểm tra hải quan chưa cải thiện” – bà Thảo nêu số liệu và cho biết quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh được làm ồ ạt thời gian đầu và chững lại từ tháng 11/2018 đến nay, sau khi các bộ ngành đã làm xong báo cáo.
“Thực sự DN có được hưởng lợi hay không trong khi nhiều ý kiến cho rằng quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh còn hình thức, nặng về đơn giản hóa câu từ, thu gọn lại hơn là cắt giảm?” – bà Thảo đặt câu hỏi.
Xác nhận ý kiến trên, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế của VCCI nhận định, cắt giảm điều kiện kinh doanh dường như mới chỉ nặng về đơn giản hóa, cắt giảm rất ít. Mục tiêu của Chính phủ là giảm 50% nhưng thống kê mới chỉ được 10%.
Ông Tuấn cho hay, điều tra của VCCI cho thấy DN gặp khó khăn xin cấp phép vẫn còn lớn, các địa phương còn lúng túng khi thực hiện Nghị quyết 19, tình trạng kiểm tra chuyên ngành bị trùng lặp, chồng chéo còn phổ biến, xu hướng quản lý rủi ro chưa đạt…
“Có một thực trạng là hiện nay các DN lớn và DN sản xuất hàng tiêu dùng (như mì ăn liền, dầu ăn…) liên tục bị thanh tra. Thanh tra làm phát sinh chi phí và làm gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh” – ông Tuấn nói và đề nghị xây dựng tiêu chí quản lý rủi ro.
Theo đó, ngành nghề nào có khả năng vi phạm cao thì phải thanh tra kiểm tra nhiều còn những DN làm ăn nghiêm túc thì phải giảm kiểm tra để họ ổn định sản xuất kinh doanh.
Doanh nghiệp: Vừa phải nộp hồ sơ điện tử vừa phải nộp hồ sơ giấy
Là đại diện doanh nghiệp duy nhất phát biểu trong hội nghị này, bà Trịnh Tú Anh, Giám đốc công ty An Đô cho rằng: nhờ có các Nghị quyết 19 về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cải thiện môi trường kinh doanh mà các doanh nghiêp cũng được lợi nhiều.
Tuy vậy, bà Tú Anh cho hay: việc cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh (ĐKKD), thủ tục kiểm tra chuyên ngành vẫn rất chậm và chưa đồng bộ, thậm chí còn nhiêu khê, hình thức.
“Giờ đã thực hiện hải quan điện tử rồi mà DN vẫn phải nộp hồ sơ giấy rất nhiều. Có khi thủ tục đã hủy trên hệ thống rồi mà cán bộ vẫn bắt nộp giấy lên”, bà Tú Anh cho biết.
Ngay cả thủ tục hoàn thuế, bà Tú Anh nói tiếp, đã điện tử hóa, DN đưa lên mạng hết rồi nhưng vẫn bắt DN nộp hồ sơ.
“Tôi làm hoàn thuế ở Hải quan Hải Phòng, 4 lần nộp hồ sơ để được áp mã, điều chỉnh thuế từ 2017 mà mãi mới đây mới được hoàn thuế. Dĩ nhiên là phải “có tác động” mới được hoàn”, bà Tú Anh dẫn chứng.
Trong khi đó, theo TS.Nguyễn Đình Cung, việc xây dựng dịch vụ công trực tuyến cấp 4 phải gắn với thanh toán trực tuyến nhằm giảm tối đa cơ hội cán bộ tiếp xúc với DN, tránh tham nhũng vặt, nhũng nhiễu. Thực tế hiện nay nhiều cơ quan vẫn thực hiện song song hai hệ thống vừa trực tuyến vừa giấy tờ là cố tạo ra cơ hội tiếp xúc giấy tờ để tham nhũng.
Clip: TS.Nguyễn Đình Cung nói về kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 19 và điểm mới của Nghị quyết 02 của Chính phủ vừa ban hành ngày 01/01/2019.