Chiều 17/5, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức cuộc họp báo về Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp. Buổi họp báo do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chủ trì, với sự tham gia của lãnh đạo, đại diện 9 Bộ, ban ngành và các cơ quan thông tấn báo chí.
Mở đầu cuộc họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông báo một số kết quả của Hội nghị. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: “Hội nghị này tổ chức ngay sau Hội nghị Trung ương 5. Nghị quyết Trung ương 5 có nhấn mạnh đặc biệt đến kinh tế tư nhân. Các đại biểu tham dự Hội nghị cũng chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân. Doanh nghiệp tư nhân cũng là đối tượng chính để Hội nghị hướng đến là tháo gỡ các khó khăn.
Hội nghị truyền đi thông điệp mạnh mẽ của Thủ tướng là Thủ tướng, Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp”.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, so với lần đầu diễn ra cuộc đối thoại giữa Thủ tướng và các Phó Thủ tướng với 2.000 doanh nghiệp tại TP.HCM, cuộc gặp năm nay đã bớt “nóng”. Các ý kiến tại Hội nghị lần đầu rất bức xúc. Nhưng năm nay, “nhiệt độ” đã giảm đi rất nhiều. Điều này chứng tỏ các Bộ, ngành, cơ quan chức năng đã nỗ lực rất nhiều.
Sau Hội nghị diễn ra vào buổi sáng, ngay chiều nay, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và các hiệp hội xây dựng tiếp Chỉ thị thực hiện Nghị quyết 35. Chỉ thị này dài 11 trang, tổng hợp khoảng 60 nhiệm vụ giao cho 14 bộ và các địa phương.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: “Ngay tại Hội nghị, Thủ tướng cũng đã ký Chỉ thị số 20 để tránh việc kiểm tra chồng chéo với các doanh nghiệp. Nó thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp. Đặc biệt chúng ta có 4,9 hộ kinh doanh cá thể chưa muốn lên doanh nghiệp vì “ngại” thuế, thanh kiểm tra…”.
Cũng tại cuộc họp báo, các cơ quan báo chí có quan tâm đến cơ chế giám sát, chế tài xử lý nếu các cá nhân, Bộ ngành không thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng trả lời: “Hôm nay, Chính phủ cũng bàn tới cơ chế giám sát, chế tài xử lý với các Bộ, ngành, địa phương nếu không thực hiện tốt các Chỉ thị của Thủ tướng. Tất cả trên tinh thần xử lý nghiêm, cách chức, thuyên chuyển, buộc thôi việc tùy theo vi phạm của cán bộ. Tuy nhiên, doanh nghiệp tạo ra cán bộ hư, cán bộ hỏng, doanh nghiệp cũng có lỗi. Chính vì thế, chúng ta phải cùng giám sát”.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chia sẻ cụ thể thêm về Chỉ thị số 20. Trong đó, Chỉ thị số 20 nhấn mạnh, thanh tra đột xuất là khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng. Các cá nhân, đơn vị không thực hiện theo Chỉ thị số 20 của Thủ tướng nếu cố tình vi phạm thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi cũng mong doanh nghiệp, báo chí giám sát vấn đề này cùng với Chính phủ.
Đỗ Thơm