Thủ tướng chỉ đạo chống tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 16/5/2024 về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2024.
Chỉ thị nêu rõ: Những năm qua, Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (gọi tắt là Kỳ thi) và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp được tổ chức ngày càng nghiêm túc, khách quan, trung thực, an toàn, cơ bản đáp ứng được mục tiêu đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, năng lực học sinh và yêu cầu tuyển sinh.
Tuy nhiên, công tác tổ chức Kỳ thi và tuyển sinh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: một số địa phương, đơn vị chưa thật chủ động, quyết liệt trong công tác tổ chức, thực hiện; công tác phối hợp còn thiếu nhịp nhàng, chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao; công tác truyền thông chưa đầy đủ, kịp thời; tình trạng sử dụng công nghệ cao để gian lận trong Kỳ thi ngày càng tinh vi, phức tạp.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, toàn diện; phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, hiệu quả, thông suốt; chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng các điều kiện; thực hiện đúng quy định, quy chế tổ chức thi; thông tin, truyền thông phải chủ động, kịp thời, đầy đủ; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, xử lý linh hoạt, hiệu quả những vấn đề phát sinh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thí sinh tham gia Kỳ thi.
Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai kế hoạch tổ chức Kỳ thi và tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non; bảo đảm đề thi chất lượng, có mức độ phân hóa phù hợp, tuyệt đối an toàn, chính xác, đáp ứng yêu cầu của Kỳ thi; chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức Kỳ thi và xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh;
Bộ GD&ĐT tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ tổ chức Kỳ thi bảo đảm đúng quy định, chính xác, an toàn; phối hợp với Bộ Công an, các địa phương chỉ đạo, thực hiện các giải pháp phòng, chống tiêu cực, đặc biệt là việc sử dụng công nghệ cao để gian lận trong Kỳ thi; tập trung chỉ đạo công tác tổ chức Kỳ thi; chủ động thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát Kỳ thi và tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non.
Bên cạnh đó, sớm xây dựng phương án cụ thể để tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông cho những học sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2006 nhưng chưa tốt nghiệp trong Kỳ thi năm 2024 bảo đảm hiệu quả, tiết giảm ngân sách nhà nước.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức Kỳ thi của địa phương bảo đảm tuyệt đối an toàn, trung thực. Xây dựng phương án và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, vật lực, các điều kiện cần thiết khác để tổ chức Kỳ thi, nhất là các phương án ứng phó với thời tiết khắc nghiệt, tình huống bất thường; tổ chức tập huấn cho những người tham gia tổ chức Kỳ thi; thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị và tổ chức Kỳ thi theo quy định; không để xảy ra sai sót, tiêu cực, vi phạm quy chế; tuyệt đối không để thí sinh mang điện thoại, thiết bị công nghệ, thông tin liên lạc vào phòng thi;
UBND các tỉnh, thành phố chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm, chăm sóc sức khỏe cho thí sinh theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Tạo điều kiện thuận lợi về đi lại, ăn, nghỉ cho thí sinh và người thân của thí sinh ở các Điểm thi, nhất là thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và biên giới, hải đảo.
Chủ động làm tốt công tác truyền thông, phối hợp với các cơ quan báo chí, cung cấp đầy đủ thông tin công khai, minh bạch về Kỳ thi để phụ huynh, xã hội hiểu và đồng thuận trong các khâu tổ chức thực hiện.
Ngoài ra, trong Chỉ thị số 15, Thủ tướng Chính phủ giao các đơn vị gồm: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tích cực phối hợp, chủ động tham gia cùng với Bộ GD&ĐT, các địa phương triển khai tổ chức Kỳ thi và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp bảo đảm an toàn, nghiêm túc, hiệu quả.
Chi tiết lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2024
Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã công bố lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và hướng dẫn công tác tổ chức kỳ thi. Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được tổ chức vào các ngày 26, 27, 28, 29/6/2024. Trong đó, ngày 26/6, thí sinh làm thủ tục dự thi. Ngày 27 và 28/6, các thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Ngày 29/6 sẽ là ngày thi dự phòng.
Thời gian công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT dự kiến vào 8h ngày 17/7. Sau đó, các địa phương tiến hành xét tốt nghiệp cho học sinh dự thi và sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng theo kế hoạch tuyển sinh.
Trong tháng 4 và tháng 5 năm 2024, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức các hội nghị tập huấn kỹ thuật về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2024 cho tất cả các địa phương. Các mốc thời gian cụ thể triển khai tổ chức kỳ thi từ cấp Bộ đến các địa phương được quy định cụ thể trong văn bản hướng dẫn dưới đây:
Những lưu ý "vàng" để thí sinh tránh trượt oan khi đăng ký xét tuyển sớm
Với 20 phương thức xét tuyển đại học năm 2024, thí sinh có nhiều lựa chọn để đăng ký ngành, trường yêu thích.
Với đa dạng phương thức xét tuyển cùng việc chuẩn bị từ sớm đã giúp nhiều thí sinh giảm bớt áp lực cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nhiều em đã nắm chắc suất bước vào cánh cổng đại học dù còn gần 2 tháng nữa mới tham dự thi tốt nghiệp, tuy nhiên nhiều phụ huynh và học sinh vẫn còn khá lúng túng với các phương thức xét tuyển sớm hiện nay.
Theo dự thảo của Bộ GD&ĐT, dự kiến, trước 17hngày 8/7, các trường đại học tổ chức đăng kí và xét tuyển sớm, cập nhật danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm lên hệ thống.
Chỉ xét tuyển sớm với các phương thức không sử dụng kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (trong trường hợp phương thức xét tuyển có sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 thì thực hiện xét tuyển theo kế hoạch chung); phải có phương án để không tuyển vượt số lượng chỉ tiêu đã dự kiến.
ThS. Lê Văn Hiển - Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Luật Tp.HCM cho biết, xét tuyển chứng chỉ ngoại ngữ, điểm học bạ, điểm thi đánh giá năng lực, quy định tuyển học sinh trường chuyên,… đều là những phương thức xét tuyển sớm và tuỳ thuộc vào đề án tuyển sinh của từng trường sẽ có những quy định khác nhau.
Tuy nhiên, ông Hiển nhấn mạnh nếu thí sinh không nắm rõ quy định xét tuyển rất dễ trượt oan dù đã nằm trong danh sách trúng tuyển ở các hình thức kể trên.
“Mặc dù thí sinh đã được các trường công bố trúng tuyển sớm nhưng bắt buộc vẫn phải đăng ký nguyện vọng trên hệ thống của Bộ GD&ĐT đã quy định, nhiều em bỏ sót bước này nên đã có trường hợp không trúng tuyển nguyện vọng nào”, ông Hiển nói.
Ngoài ra, thí sinh cũng không bị bó hẹp chỉ sử dụng một phương thức hay một nguyện vọng, ngay cả khi đã trúng tuyển sớm các em vẫn có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT trong danh sách đăng ký nguyện vọng của mình.
ThS. Lê Văn Hiển cho hay: “Điều quan trọng ở đây là thứ tự các nguyện vọng ưu tiên. Ở trường hợp này, các em có thể xếp nguyện vọng theo phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT ở trên và ngay cả khi trúng tuyển sớm ở nhiều trường cũng chỉ chọn ra một nguyện vọng mong muốn theo học nhất xếp cuối cùng. Nếu theo trình tự này chắc chăn các em sẽ trúng tuyển”.
Ở đây, ông Hiển cũng chia sẻ không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng, tránh gây lãng phí không cần thiết.
Năm nay, Học viện Ngân hàng sẽ xét tuyển sớm bằng hình thức trực tuyến. Trao đổi với Người Đưa Tin, TS.Trần Mạnh Hà - Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng cho biết, dự kiến nhà trường sẽ tổ chức xét tuyển sớm từ 20/5-10/6, các thí sinh đủ điều kiện cần đọc kỹ và làm theo đúng hướng dẫn, những hồ sơ nào có sự sai sót sẽ bị loại bỏ.
Để tạo thuận lợi cho các em, mỗi một hồ sơ sẽ có mã QR để thanh toán lệ phí xét tuyển sớm, đảm bảo chính xác thông tin cho các em.
Ông Trần Mạnh Hà cũng chia sẻ, việc xét tuyển sớm cũng nằm trong quy định và theo quy tắc chung của xét tuyển đại học, thí sinh không cần quá lo lắng và hãy sử dụng hết tất cả các nguyện vọng tốt nhất để tăng cơ hội trúng tuyển.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, các thí sinh cần nắm rõ một vài nguyên tắc khi xét tuyển sớm.
Theo đó, thí sinh tham gia xét tuyển sớm và trúng tuyển không phải xác nhận nhập học ngay, mọi mốc thời gian vẫn theo lộ trình tuyển sinh mà Bộ GD&ĐT đã công bố. “Như vậy, các em vẫn còn rất nhiều lựa chọn khác ở những phương thức khác, thay vì bắt buộc phải xác nhận nhập học ngay”, bà Thuỷ cho hay.
Nguyên tắc thứ 2, khi thí sinh được cơ sở giáo dục đại học thông báo đã trúng tuyển xét tuyển sớm thì vẫn chưa phải là trúng tuyển đại học. Các em vẫn cần phải dự thi tốt nghiệp THPT, tốt nghiệp THPT mới có thể trúng tuyển chính thức.
Cuối cùng tất cả nguyện vọng của các em dù trúng tuyển sớm hay sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT đều phải đăng ký trên hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT.
“Nếu không nhập các nguyện vọng của mình lên hệ thống, các em sẽ không được ghi nhận, không thể chính thức trúng tuyển và nhập học, dù đã trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm ở rất nhiều trường”, PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ thông tin.
Trúc Chi (t/h)