Chiều 20/5, ông Vũ Trọng Bình – Cục trưởng cục Việc làm, bộ LĐ-TB&XH dẫn đầu đoàn công tác tiến hành kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết 42/2020/NQ-CP tại tỉnh Đắk Lắk.
Làm việc với đoàn công tác, sở LĐ-TB&XH Đắk Lắk có báo cáo về tiến độ thực hiện chi trả gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho người gặp khó khăn do dịch Covid-19. Cụ thể, tính đến ngày 19/5, tỉnh đã rà soát và lập danh sách 345.000 người với số tiền đề nghị hỗ trợ hơn 298 tỷ đồng.
Trong đó, đối tượng người có công với cách mạng là 9.721 người, chi trả được 14.568 triệu đồng (9/15 huyện đã chi trả 5.678 người, chiếm 60% trên tổng số các đối tượng thụ hưởng); đối tượng bảo trợ xã hội có 42.897 người, với số tiền chi trả 64.187,5 triệu đồng, mới thực hiện chi trả 4.231 người (chỉ có 2/15 huyện đã chi).
Đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo có 287.067 người, số tiền ước chi trả gần 212,7 tỷ đồng, nhưng mới chi được 13.942 người.
Đối tượng người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương mới có 1 đơn vị trình và được duyệt chi trả; đối tượng người lao động tự do đã lập được danh sách cho 1.405 người bán vé số lưu động và các đối tượng khác chỉ dừng lại ở rà soát, lập danh sách.
Cục trưởng cục Việc làm Vũ Trọng Bình nhận định, việc triển khai chi trả gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42 tại tỉnh Đắk Lắk thực hiện chậm đứng thứ 60/63 của cả nước.
Do vậy, Cục trưởng đề nghị tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ rà soát, niêm yết, xét duyệt ở các cấp cơ sở; các cán bộ cơ sở triển khai nhanh kịp thời, đúng thời điểm và Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể đẩy mạnh giám sát chặt chẽ để sớm tiến hành chi trả kịp thời cho người dân.
Theo Cục trưởng, việc chi trả chậm thì tính thời sự, ý nghĩa của gói hỗ trợ sẽ bị giảm, do vậy tỉnh Đắk Lắk cần đẩy nhanh tiến độ đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng.
Cũng tại buổi làm việc, Cục trưởng cục Việc làm Vũ Trọng Bình đã đối thoại, giải đáp nhiều băn khoăn, thắc mắc khi triển khai Nghị quyết 42 cho các cán bộ địa phương.
Theo đó, các vướng mắc khi triển khai Nghị quyết 42 được cán bộ cơ sở đề cập tại buổi đối thoại như: Khó khăn khi xác định mức thu nhập; việc trả phí khi chi trả qua đường bưu điện cho một số nhóm đối tượng; cách xác định chính xác các đối tượng được hưởng hỗ trợ…
Cục trưởng đề nghị cấp xã, cấp huyện bám sát quyết định 15 ngày 21/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ để rà soát, lọc đối tượng.
Với những đối tượng đột ngột mất việc hoặc thu nhập dưới mức tối thiểu phải đưa vào danh sách được hỗ trợ.
Với những người thuộc hộ nghèo phát sinh mới, chính quyền xã bổ sung, lập danh sách và linh động xem xét, có sự tham gia của cộng đồng.
Việc xác định các đối tượng như hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động tự do đòi hỏi phải có sự xác nhận của cộng đồng, thôn, buôn, tổ dân phố, phối hợp chặt chẽ với mặt trận và họp công khai, niêm yết danh sách để người dân biết.
Bên cạnh đó, tỉnh phải quán triệt trách nhiệm việc thực hiện Nghị quyết 42 không chỉ của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội mà còn là trách nhiệm của tỉnh, của huyện, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, các cấp, các ngành liên quan.