Chỉ trồng cỏ mà thành “đại gia”, giúp cả làng phát tài 

Thứ 5, 02/01/2025 18:01

Sau vỏn vẹn 4 năm trồng cỏ, người đàn ông này đã có thu nhập lên đến hơn trăm tỉ đồng/năm.

Bỏ việc lương cao ở nước ngoài, về quê làm nông dân trồng cỏ

Cỏ là loài thực vật thường bị coi là kẻ xâm lấn, vô giá trị. Thế nhưng, có người lại nhờ trồng cỏ mà đổi đời thành “đại gia”, thậm chí còn giúp cả làng cùng phát tài. 

Lương Văn Bân - một doanh nhân ở Hải Nam (Trung Quốc) chính là “đại gia” trong câu chuyện đó. Người đàn ông này thậm chí đã từ bỏ công việc thu nhập cao ở Singapore để về quê làm nông dân trồng cỏ.  Đặc biệt, đây là loại cỏ ở Việt Nam có đầy, được người Việt sử dụng rộng rãi trong ngành ăn uống. Đó chính là lá dứa (lá nếp).

img

Khi còn sinh sống và làm việc tại Singapore, anh Bân nhận ra lá dứa tuy không nổi tiếng ở Trung Quốc nhưng lại là nguyên liệu không thể thiếu trong ẩm thực của các nước Đông Nam Á. Chẳng hạn, món bánh quốc dân của Singapore và ẩm thực Peranakan ở Malaysia đều cần đến nguyên liệu đặc biệt này. 

Sau đó, anh đã nghiên cứu thị trường và nhận thấy ngành sản xuất lá dứa ở Đông Nam Á đang ở giai đoạn trưởng thành, nhưng ở Trung Quốc, thị trường này vẫn còn khoảng trống rất lớn. Anh Bân ngay lập tức nhận ra, đây chính là một cơ hội kinh doanh tuyệt vời.

Năm 2016, anh quyết định quay về Trung Quốc và bắt tay vào trồng lá dứa. Ngay khi bắt đầu, anh đã xây dựng cơ sở cây giống rộng 2 ha tại quê nhà.

img

Bị dân làng cười nhạo vì trồng thứ cỏ vô dụng

Tuy nhiên, người dân ở Hải Nam - quê hương anh lại không mấy mặn mà với lá dứa. Bởi nơi đây vốn là vùng sản xuất cau, và cau luôn là mặt hàng bán chạy nên hầu hết nông dân ở đây đều dựa vào cau để kiếm sống. Mỗi hộ có thể kiếm được từ 100.000 - 300.000 NDT (339 triệu - 1 tỉ đồng)/năm. 

img

Với ngành sản xuất cau ổn định như vậy, những người nông dân không muốn thử nghiệm trồng giống cây mới. Nhất là trong mắt họ, lá dứa chẳng khác gì cỏ dại ven đường, không hề có giá trị. Thậm chí, nhiều người còn cười nhạo anh Bân. 

Vì dân làng không ủng hộ nên kế hoạch ban đầu của anh Bân không thể phát triển. Tuy nhiên, anh Bân quyết định thay vì trồng lá dứa ngay, anh sẽ công khai lợi ích của việc trồn  lá dứa và khuyến khích mọi người làm thử. 

img

Anh đã đưa bạn bè tham gia các hội chợ về nguyên liệu làm bánh ở Thượng Hải. Họ phát hiện ra nhu cầu thị trường về lá dứa ở đây là rất lớn. Bên cạnh đó, anh còn đưa cho dân làng xem các thông tin về giá trị của lá dứa, cuối cùng đã thành công thuyết phục được mọi người.

Chỉ vài tháng sau, khi lá dứa đã phát triển, toàn bộ đã được bán hết với giá 20 NDT (70.000đ)/kg. Việc thu hoạch lá dứa cũng nhẹ nhàng hơn so với việc leo trèo để hái cau, dân làng đã hoàn toàn bị thuyết phục.

Lá dứa có thời gian trưởng thành ngắn, chi phí thấp, giá bán cao, nhu cầu thị trường cũng rất lớn. Hiện nay, dân làng ở Hải Nam đã bắt đầu mở rộng quy mô trồng trọt, một số người còn trồng lá dứa dưới gốc cau.

Năm 2017, để đưa ngành sản xuất tại địa phương lên một tầm cao mới, anh Bân đã chuyển nhượng công ty ở Singapore với giá thấp, bán thêm một số tài sản cá nhân để dồn tiền xây dựng chuỗi công nghiệp trồng lá dứa.

Anh còn hợp tác với ngành làm bánh ở Singapore để tổ chức các khóa học làm bánh từ lá dứa, để nhiều nhà cung cấp thực phẩm có thể nhìn thấy cơ hội kinh doanh này.

Ngoài ra, anh còn thử chế biến lá dứa thành dạng bột. Giá bột cao hơn nhiều so với lá dứa tươi, lên đến 400 NDT (1,3 triệu đồng)/kg. 

Năm 2019, anh dựa vào internet để tiếp tục mở rộng quy mô và xây dựng được chuỗi công nghiệp hoàn chỉnh. Sau đó, anh mở công ty, cùng hơn 5.000 người trẻ cùng thúc đẩy ngành này phát triển. Chỉ trong vòng 4 năm, doanh thu hàng năm từ lá dứa đã lên đến 40 triệu NDT (gần 136 tỉ đồng). Không chỉ tự biến mình thành “đại gia”, anh Bân còn giúp hơn 1.000 nông dân cùng làm giàu.

Hương Nguyễn (Theo 163.com)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.