Đã gần 60 năm trôi qua, kể từ ngày bộ phim truyện nhựa Chị Tư Hậu ra đời (1963), hình ảnh người phụ nữ có đôi mắt đen thăm thẳm chất chứa bao nỗi niềm đã in đậm vào ký ức của nhiều người.
Được sản xuất năm 1962 do đạo diễn Phạm Kỳ Nam chỉ đạo, Chị Tư Hậu trở thành tác phẩm điện ảnh kinh điển in sâu vào tiềm thức vào nhiều thế hệ người xem.
Bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học Một chuyện chép ở bệnh viện của nhà văn Bùi Đức Ái viết năm 1958, và diễn viên Trà Giang đã thể hiện xuất sắc hình ảnh chị Tư Hậu – người đàn bà dũng cảm, kiên trung, can trường, mạnh mẽ.
Chị Tư Hậu làm nghề bà đỡ, có chồng hoạt động cho Việt Minh. Trong một trận càn, tên sĩ quan đã cưỡng hiếp chị.
Sau biến cố ấy, chị Tư Hậu lao ra biển tự tử, nhưng vào giây phút quyết định, tiếng khóc của đứa con nhỏ làm chị thức tỉnh nhận ra nghĩa vụ làm mẹ của mình.
Tin dữ đến tai chồng của chị, anh đã trở về trả thù tên sĩ quan thú tính, tha thứ và thông cảm cho vợ đồng thời quay trở lại mặt trận.
Rồi anh hi sinh, chị Tư Hậu nén đau thương quyết chí tham gia du kích san phẳng đồn giặc trả thù cho chồng.
Đạo diễn Phạm Kỳ Nam đã sử dụng nhiều hình ảnh điển hình thay cho lời thoại của nhân vật để làm đậm tính thực trong phim.
Và đó cũng chính là thách thức lớn nhất đối với các diễn viên, bộ phim với yêu cầu khắt khe đòi hỏi diễn viên phải diễn xuất chân thực nhưng ấn tượng và có tâm huyết.
Vậy chị Tư Hậu là nhân vật có thực hay được hư cấu? Xin thưa rằng đây là một nhân vật có thực.
Cách đây hơn 40 năm, trong một lần nằm điều trị tại Bệnh viện Việt-Xô, Hà Nội, nhà văn Bùi Đức Ái đã gặp một người phụ nữ miền Nam là bệnh nhân nặng với nhiều di chứng do hậu quả của những năm tháng hoạt động gian khổ ở chiến trường.
Đó là má Nguyễn Thị Huỳnh. Được biết câu chuyện trong truyện và phim chỉ khắc hoạ một phần nhỏ cuộc đời của má.
Má Huỳnh là một nữ sinh trường Pháp - Việt ở Ninh Hòa - Khánh Hòa. Từ sớm, má Huỳnh đã giác ngộ cách mạng, nuôi dưỡng cán bộ.
Cách mạng tháng Tám thành công, má Huỳnh tham gia hội phụ nữ, cùng chồng – người anh cả của lực lượng cách mạng Khánh Hoà xây dựng cách mạng miền Nam Trung Bộ chiến đấu chống kẻ thù xâm lược.
Để hòng lung lạc ý chí của người mẹ, giặc Pháp đã bắt giam ba con nhỏ của má Nguyễn Thị Huỳnh tra tấn, hành hạ bỏ đói.
Tuy nhiên má Huỳnh là một người phụ nữ cứng cỏi, bà vẫn kiên quyết chống trả quân xâm lược và về sau tập kết ra Bắc.
Hoà bình lập lại, cuộc sống ổn định, chẳng bao lâu sau chồng bệnh nặng liệt giường, mọi sinh hoạt của chồng một tay má Huỳnh lo liệu.
Giữa lúc "cơn sốt đất" lan tràn trong cả nước, thành phố Nha Trang nơi má ở, giá đất tăng vụt từng ngày, nhưng má vẫn quyết định trả lại cho tỉnh toàn bộ khuôn viên rộng hàng ngàn mét vuông, nơi có ngôi nhà của mình đang ở tại một trong những vị trí đẹp của thành phố biển.
Má Huỳnh chỉ giữ lại 100 m2 để tự xây nhà cho hai vợ chồng và gia đình người con cả. Ngày Vào một ngày buồn, trong lúc đang chăm sóc người chồng đau ốm, má Huỳnh đột ngột tai biến mạch máu não đã làm má hoàn toàn bị tê liệt và qua đời một thời gian sau.
(còn nữa)
Minh Anh