Hiệu quả của các cơ quan chuyên trách chống tham nhũng chưa cao; lạm dụng xử lý kỷ luật hành chính với án tham nhũng; xét xử tham nhũng cho hưởng án treo quá nhiều… tại phiên thảo luận về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) của Ủy ban Thường vụ QH sáng 18-9, có đại biểu đặt câu hỏi: “Có tham nhũng trong lực lượng chống tham nhũng không?”.
Cán bộ mua nhà để dành khi về hưu
Thẩm tra báo cáo công tác PCTN năm 2013, Ủy ban Tư pháp QH cho rằng tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu giảm. Nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng thực hiện còn hình thức, hiệu quả thấp; công tác phát hiện tham nhũng còn yếu; xử lý hành vi tham nhũng có biểu hiện nương nhẹ, vẫn còn tình trạng lạm dụng xử lý kỷ luật hành chính, không khởi tố vụ án, đình chỉ vụ án, bị can có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH Nguyễn Văn Hiện, có nhiều địa phương từ 2010 đến 2013 chỉ nhận được 1-2 đơn tố cáo tham nhũng (Hải Dương, Ninh Bình, Quảng Bình…). Lý giải nguyên nhân, ông Hiện cho biết nhiều người dân vẫn cho rằng phát hiện tham nhũng là việc của cơ quan nhà nước, e ngại tố cáo vì sợ bị trả thù, chỉ khi ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi thì họ mới tố cáo.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý yêu cầu làm rõ việc “trong 4.000 vụ liên quan đến tham nhũng bị phát hiện thì chỉ có 46 vụ chuyển xử lý hình sự, còn lại xử lý hành chính hết”. Ảnh: TTXVN
Cũng theo ông Hiện, việc khen thưởng người tố cáo tham nhũng vẫn còn hình thức (Sở Y tế TP Hà Nội thưởng thành tích tố cáo tham nhũng tại BV Đa khoa huyện Hoài Đức 320.000 đồng/người). Có trường hợp người tố cáo vụ tham nhũng tại Trung tâm Y tế huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam từ chối nhận khen thưởng vì cho rằng có biểu hiện bao che (tham nhũng vài tỉ đồng nhưng nộp lại tài sản phạm tội thì được đình chỉ điều tra, miễn trách nhiệm hình sự...).
“Dân trộm cắp 2-3 triệu đồng thì đi tù, còn cán bộ tham nhũng tiền tỉ mà chỉ xử lý hành chính hoặc án treo thì có công bằng không?” - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước so sánh. Ông cũng chỉ rõ: “Cán bộ miền núi, vùng sâu, vùng xa mua nhà ở Hà Nội, TP.HCM để dành khi về hưu. Chuyện đó Trung ương cũng đã nhắc nhở. Các cơ quan PCTN đánh vu vơ ở đâu? Đánh thẳng vào những chỗ đó, vài trăm tỉ chứ không phải chỉ vài tỉ đâu!”.
Chỉ xử lý hình sự 46/4.000 vụ tham nhũng
Câu hỏi này được Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đặt ra cùng nhận xét: “Việc phát hiện, xử lý chưa phù hợp với tình hình tham nhũng hiện nay. Hiệu quả hoạt động của các cơ quan chuyên trách chống tham nhũng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Số vụ tham nhũng được phát hiện và xử lý còn thấp, có nơi nhiều năm mà chỉ làm được 1-2 vụ. Việc điều tra, truy tố, xét xử án tham nhũng còn kéo dài, trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần; một số vụ đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, miễn trách nhiệm hình sự có dấu hiệu áp dụng chưa đúng pháp luật; thay đổi sang tội danh khác nhẹ hơn hoặc không phải tội danh về tham nhũng còn chiếm tỉ lệ cao… đã phản ánh chất lượng hoạt động chưa cao của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng”.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý cũng yêu cầu làm rõ việc “trong 4.000 vụ liên quan đến tham nhũng bị phát hiện thì chỉ có 46 vụ chuyển xử lý hình sự, còn lại xử lý hành chính hết”.
Theo Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, báo cáo PCTN của Chính phủ chưa làm rõ trong lực lượng đấu tranh PCTN có tiêu cực không, có tham nhũng không; có bỏ sót, bao che không. Các cơ quan chủ lực như thanh tra, kiểm toán, kiểm sát, tòa án đã làm hết trách nhiệm chưa... “Tôi không đồng tình với đánh giá cho rằng người dân chưa làm hết trách nhiệm trong tố cáo, PCTN. Dân đấu tranh mãi mà không có tác dụng nên dân chán!” - Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.
Án treo, cải tạo không giam giữ chiếm 31,2% Trong năm 2013, TAND các cấp đã xét xử sơ thẩm 278 vụ/584 bị cáo về các tội danh tham nhũng. Trong đó tỉ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 41,2%; số bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm 31,2% (năm 2012, tỉ lệ này là 34,2%). Cũng trong năm 2013, đã xử lý 36 trường hợp người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Trong đó, bốn người bị xử lý hình sự, 28 người bị kỷ luật hành chính, bốn trường hợp khác đang được cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý. Tổng Thanh tra Chính phủ HUỲNH PHONG TRANH Khó biết được tài sản chìm nổi Việc kê khai và công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức chưa đạt hiệu quả. Vì rất khó biết được thực chất số lượng tài sản của người có chức vụ, quyền hạn và vì sợ bị trù dập nên đồng nghiệp rất ngại tố cáo nếu biết được lãnh đạo kê khai tài sản, thu nhập không đúng. Hiện cũng chưa có cơ chế khả thi để kiểm soát tính chính xác của việc kê khai tài sản; chưa có biện pháp xử lý đối với tài sản có giá trị lớn tăng lên bất thường mà người kê khai không chứng minh được tính minh bạch, hợp pháp của tài sản tăng thêm. Thời gian qua, có nhiều trường hợp lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích được nhận lương hàng tỉ đồng/năm, có nơi đến 2,6 tỉ đồng/người/năm và kéo dài nhiều năm nhưng qua công tác kê khai, minh bạch tài sản vẫn không phát hiện được cho thấy tính hình thức của biện pháp phòng ngừa tham nhũng này. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp NGUYỄN VĂN HIỆN |
Theo Bình Minh (Pháp luật TP HCM)