Sau vụ khủng bố dùng xe tải tấn công vào khu chợ Giáng sinh ở Berlin đêm 19/12 khiến hơn 50 người thương vong, nhiều chuyên gia an ninh lo ngại vì tấn công theo phương thức này có khả năng tàn sát ghê gớm, mà việc điều tra cũng rất khó khăn, bởi có hung thủ có thể "cài đặt" cho xe lao vào đám đông mà chúng không cần "tự sát".
Người đứng đầu sở cảnh sát Berlin, ông Klaus Kandt bày tỏ quan ngại: "Ở Đức, lễ hội Giáng sinh là một trong những lễ hội quan trong nhất trong năm. Ngay từ đầu tháng 12, trên toàn nước Đức đã có tới 2.500 chợ Giáng sinh, riêng Berlin có 60 chợ. Bất cứ khu vực nào đều có thể trở thành mục tiêu tấn công của những tên khủng bố vậy nên rất khó để giảm thiểu rủi ro xuống con số 0. Chúng ta có thể làm gì để ngăn chặn các cuộc tấn công như vậy”.
Cũng theo ông Kandt, phương thức hữu hiệu nhất để có thể giảm thiểu khủng bố bằng bom xe chính là xây dựng các rào cản xung quanh các khu vực đông người. Và Berlin sẽ áp dụng phương thức này từ ngày thứ Ba (20/12), ngay sau vụ tấn công.
Ruth Reed, Viện trưởng Viện Kiến trúc sư Hoàng gia Anh cho rằng, sau vụ tấn công ở Berlin, các quan chức chống khủng bố không chỉ ở Đức mà nhiều nước phương Tây khác sẽ đánh giá lại sự an toàn của không gian công cộng.
“Những nghiên cứu của tôi cho thấy, việc xây dựng rào chắn lớn xung quanh khu vực đông người rất quan trọng. Trong kiến trúc đô thị, điều này luôn được tính đến nhằm ngăn ngừa các vụ tấn công bằng xe tải. Nhưng hàng rào thông thường thì không đủ sức cản những xe bom với tốc độ lớn, chúng sẽ dễ dàng phá tan rào chắn”, bà Reed nói.
Bà Reed là tác giả một tài liệu hướng dẫn xuất bản năm 2010 về thiết kế chống khủng bố mà không trở thành một “pháo đài” thiếu thân thiện với cộng đồng.
The Guardian cho hay, thực tế, hàng rào đen quanh cung điện Westminster ở Anh được thiết kế nhằm ngăn chặn xe tải lao vào với tốc độ cao. Trên đường Whitehall ở nước này cũng có nhiều rào cản nhưng được giấu một cách kín đáo.
Cũng tại Anh, sân vận động Emirates của Arsenal là một ví dụ điển hình về việc tích hợp các rào chắn với thiết kế công trình để đảm bảo an toàn với những khu vực đám đông hàng nghìn người. Cụ thể, cổng chính của sân là một rào cản đối với các loại xe, toàn bộ ghê ngồi bằng bê tông giúp ngăn chặn một chiếc xe nào đó lao vào sân trước, trong khi khẩu pháo khổng lồ, biểu tượng của câu lạc bộ tạo thành một trở ngại cho xe đi về phía tòa nhà sân vận động.
Ở Mỹ, bao quanh các trụ sở làm việc của chính phủ và quân đội đều có hàng cột chống đâm va hay tấn công. Bộ Ngoại giao Mỹ còn phân loại hệ thống cột bảo bảo vệ khác nhau như cột có khả năng chặn xe đang đi với tốc độ lên đến 80km/h, hay cột chống các loạt xe vận tải lớn…
Người đứng đầu Viện Kiến trúc sư Hoàng gia Anh chỉ rõ: “An ninh công cộng rất quan trọng nhưng các công trình không nên gợi cảm giác bất an. Những người dân sẽ không thể hào hứng, vui vẻ đến với các hoạt động lễ hội dịp Giáng sinh nếu họ thấy những bức tường sắt đồ sộ. Tôi nghĩ các tính năng phòng chống xe bom càng kín đáo càng tốt”.
Dịp Quốc khánh Pháp năm ngoái, tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng IS cũng đã sử dụng phương thức này lao vào đám đông khiến gần 100 người thiệt mạng. Theo một tài liệu an ninh của Đức, các tổ chức khủng bố như Al-Qaeda, IS hiện đang kêu gọi các phần tử cực đoan dùng xe đâm vào đám đông để đạt hiệu quả lớn. Hơn nữa bọn chúng có thể nhảy khỏi xe, tẩu thoát mà không cần tự sát. Vậy nên việc giảm thiểu thương vong cho hình thức đánh bom này đang được chính phủ nhiều nước quan tâm.
Giáo sư Tahir Abbas, nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu chính sách công cho biết: “Tại nhiều nước châu Âu, đã trang bị hệ thống tinh vi để cảnh báo về vũ khí hoặc chất nổ. Vậy nên các tổ chức khủng bố dùng xe hơi được cho là cách thức tấn công có thể “qua mặt” được “máy đánh hơi” này”.
Ông Abbas còn tiết lộ, hiện một số nước đã nghiên cứu ra “hệ thống chắn” mang tính thẩm mỹ nhằm ngăn chặn xe đâm vào các tòa nhà. Đó có thể là chậu hoa bằng bê tông hay kim loại được ẩn bên trong tòa nhà. “Với khủng bố chúng ta luôn phải chơi trò đuổi bắt và rút ra các bài học từ từ mỗi vụ tấn công. Từ sự kiện ở Nice và bây giờ ở Berlin, bọn chúng ranh mãnh, phát triển từng ngày, chúng ta cần phải tỉnh táo để dự đoán được “nước cờ” của chúng”.
Phương Anh