Cuộc sống đảo lộn
Mới đây, dân mạng xã hội được phen “mất ăn mất ngủ” vì chia sẻ của một bà mẹ có con 14 tuổi bị sốt xuất huyết. Người mẹ này cho biết con trai chị có biểu hiện sốt, đưa con đi khám thì bác sĩ nói bị sốt xuất huyết. Cách ngày, chị lại đưa con trai vào viện làm xét nghiệm tiểu cầu, truyền xong rồi về. Vì không theo dõi liên tục nên con của chị H. bị sốt xuất huyết tiết niệu, tiêu hoá, tụt huyết áp, tiểu cầu còn 47, phải truyền máu cấp cứu.
Nhìn con mềm lả như sợi bún, mắt đờ đẫn,... mà lòng người mẹ ân hận vô cùng. Người mẹ trẻ chia sẻ câu chuyện với hy vọng các bậc cha mẹ đừng nên thờ ơ trước dịch bệnh sốt xuất huyết. Chia sẻ của bà mẹ trẻ nhanh chóng nhận được sự quan tâm của dư luận.
Anh Nguyễn Tuấn (phố Xốm, Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Gia đình tôi có 4 người thì ba người gồm tôi, vợ tôi và con trai lớn bị sốt xuất huyết, duy chỉ có con trai út là không vấn đề gì. Tôi bị sốt xuất huyết đầu tiên, nhập viện 7 ngày thì ra viện. Khi tôi vừa khỏi bệnh, con trai lớn bắt đầu có biểu hiện sốt cao, mệt mỏi, rồi con chưa kịp khỏi thì vợ tôi cũng nhập viện".
Khi trở về từ bệnh viện, gia đình anh Tuấn cho rằng vẫn cảm thấy rất lo lắng và không dám lơ là trước sốt xuất huyết. Ngoài việc phun thuốc muỗi phòng tránh, gia đình anh cũng bôi thêm tinh dầu tràm cho con.
Gia đình chị Th. (quận Ba Đình, Hà Nội) nhập viện 108 từ ngày 17/8 và đến hôm 25/8 xuất viện. Chị Th. cho biết: “Tôi thật sự hiểu nỗi khổ của những người bị sốt xuất huyết và người nhà của họ. Đó là một nỗi ám ảnh.
Bởi sốt xuất huyết lan rộng nên các bệnh viện đều rơi vào tình trạng quá tải. Ngày đầu tiên vào khoa cấp cứu, bác sĩ nào cũng nói trước với bệnh nhân (với những ca nhẹ), nếu ở viện thì phải nằm ghép 4 người/giường đơn, nếu ai về nhà thì phải hai ngày đến khám lại. Tôi sợ về nhà lây cho các con nên chọn ở lại”.
Cũng theo chị Th., bệnh nhân bị sốt xuất huyết còn phải tự tìm tư thế nằm, ngồi hay đứng để truyền nước. Phòng chật cứng người nên có bệnh nhân phải nằm ngoài hành lang vạ vật.
May mắn được ra viện nhanh hơn các bệnh nhân khác, chị Th. vẫn còn nguyên vẹn cảm giác sợ hãi: “Được trở về từ tâm sốt xuất huyết, nhưng đến thời điểm này tôi vẫn lo bị lại. Bởi, sốt xuất huyết có 4 chủng mà tôi chỉ mắc một chủng thôi, điều này có nghĩa là khả năng bị mắc lại vẫn còn”.
Cũng theo chị Th., sau khi chị vừa ra viện, hai cậu con trai của chị lại có biểu hiện sốt cao. Nghĩ còn có thể điều trị được nên chị nhờ y tá đến truyền cho con. Tuy nhiên, các con chị không có biểu hiện đỡ mà sốt cao hơn. Chị hốt hoảng cho các con nhập viện và được bác sĩ chẩn đoán bị sốt xuất huyết có biến chứng nặng. Từ hôm đó, vợ chồng chị mất ăn, mất ngủ vì thức chăm con.
Không nên tự điều trị tại nhà
Theo một cán bộ y tế tại huyện Thạch Thất, Hà Nội, tuy nhiều người dân lo lắng về tình hình bệnh sốt xuất huyết, nhưng họ lại hiểu không đúng về việc phòng tránh bệnh. Cụ thể là họ đã hiểu sai về môi trường sinh sôi nảy nở của loại muỗi vằn gây sốt xuất huyết. Nhiều người nghĩ, muỗi vằn sinh sản ở các ao tù, cống rãnh ô nhiễm nhưng không phải vậy, muỗi vằn không thể sinh sôi nảy nở được ở nước bẩn.
Thực tế muỗi vằn sinh sống ở những nơi mà nhiều người không hề ngờ tới: Ở các góc tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà. Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản chủ yếu ở dụng cụ chứa nước sạch và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, giếng nước, hốc cây...
Mặt khác, không ít cha mẹ khi con mắc bệnh sốt xuất huyết thường tự ý điều trị tại nhà. Thậm chí là mua dung dịch rồi thuê người truyền cho con. Chỉ tới khi, có biến chứng, họ mới hốt hoảng đưa con tới bệnh viện.
Nhận định về tình hình trên, bác sĩ Khánh Hà (khoa Nhi, phòng khám Đa khoa Thảo Ngọc) khuyến cáo, các bậc cha mẹ không nên tự ý truyền dịch cho con tại nhà khi chưa có chỉ định từ bác sĩ. Việc tự ý truyền dịch có thể khiến trẻ phù nề, suy hô hấp và nguy hiểm. Việc truyền dịch cần được thực hiện trong bệnh viện dưới chỉ định và theo dõi của bác sĩ.
Thanh Bình- Thanh Lam