Trên trang cá nhân MC, BTV Minh Hà của chương trình Cà phê sáng với VTV3 đã đăng tải trên trang cá nhân về việc hoàn thành bản đăng ký tự nguyện hiến tặng giác mạc. Hình ảnh chia sẻ của MC Minh Hà với bản đăng ký tự nguyện hiến tặng giác mạc đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn bè và người hâm mộ. Trong đó, nhiều người bày tỏ sự ngưỡng mộ với tấm lòng nhân ái của người đẹp.
Chia sẻ với PV, nữ MC xinh đẹp cho biết: “Nhiều người nói tôi dũng cảm, nhưng bản thân tôi lại không thấy như vậy. Tôi không thấy quyết định của mình là dũng cảm. Trong suy nghĩ của tôi, đây là việc cần làm và nên làm. Về bản chất, việc này cũng như hiến máu, chỉ có điều máu tự sản sinh thêm được, còn giác mạc hay các cơ quan nội tạng khác thì không, nên việc lấy mô, tạng chỉ diễn ra khi ta qua đời. Khi ai đó cần mà ta có sẵn, lại không dùng đến thì tại sao không trao đi?
Việc đăng ký hiến các bộ phận sau khi qua đời chẳng lấy mất điều gì của chúng ta, mà còn mang lại cơ hội sống tốt hơn cho những người khác. Và đó cũng là cách chúng ta nhắc nhở chính mình phải giữ gìn sức khoẻ, có trách nhiệm với cơ thể mình hơn, không chỉ vì bản thân mà còn vì người nhận sau này”.
Nữ MC cho rằng, hiến tạng và hiến xác được đánh giá là hành động cao cả nhưng không phải ai cũng làm được. Yêu quý xác thân khi sống cũng như lúc chết là quan niệm đã hằn sâu trong suy nghĩ của nhiều người. Nhất là người Việt chúng ta vốn ảnh hưởng lâu đời với văn hóa địa táng (chôn), khi sống cần có nhà, lúc chết phải có mồ nên ái ngại khi hiến xác.
Mặt khác, quan niệm khi chết cần phải lành lặn, đầy đủ các bộ phận nên người Việt cũng rất ái ngại khi có mổ xẻ, hiến tạng, mất một phần thân xác. Không chỉ vậy, việc không hiểu rõ về nghĩa cử cao đẹp, quy trình thực hiện của hiến tạng cũng là nguyên nhân làm nhiều người e ngại với điều này.
“Nếu nói trên góc độ tâm linh thì ai đã tiếp cận giáo lý nhà Phật sẽ tự hiểu thân thể ta chỉ là giả tạm. Nôm na thì mỗi người có một sứ mệnh cuộc đời, là lý do người đó được sinh ra và tồn tại. Để thực hiện được sứ mệnh đó cũng như để về đích, ta cần phương tiện là một thân thể, giống như cần phương tiện giao thông thích hợp.
Ta đã qua đời, giống như đã về đích rồi thì sao phải giữ lại phương tiện ta không cần dùng nữa, trong khi người khác đang rất cần? Giống như một người đủ ăn, đủ mặc rồi, không giúp đỡ người thiếu thốn hơn mình mà bo bo giữ trong nhà, rồi tới lúc nhà cháy, lúc nhắm mắt xuôi tay, chỗ tiền ta cất giấu cũng thành tro bụi, trong khi với số tiền đó, người cần có thể có cuộc đời mới đủ đầy hơn.
Tôi nghĩ, lý do nhiều người e ngại hiến tạng ở Việt Nam còn bởi các nguyên nhân khác như hiểu lầm hoặc chưa biết về quy trình thực hiện việc lấy tạng, cấy ghép tạng và cơ thể người. Con người ta thường sợ cái mình chưa biết, còn khi biết kỹ càng, cụ thể về quy trình và đặc biệt là mục đích, ý nghĩa của việc làm này thì sẽ không e dè, sợ hãi nữa.
Để giải quyết vướng mắc này, không gì bằng sự vào cuộc của truyền thông. Một mặt, chúng ta chia sẻ thêm nhiều thông tin về hiến tạng, mặt khác tích cực lan tỏa những câu chuyện chân thực, giàu xúc cảm và có khả năng truyền cảm hứng như trường hợp của bé Hải An”, MC Minh Hà tâm sự.