Học sinh tự chọn trường, không phải bố mẹ
Bà Nguyễn Nguyệt Cầm là giảng viên đến từ khoa Nam Á và Đông Nam Á học - đại học California tại Berkeley - UC Berkeley, bang California, Hoa Kỳ, chia sẻ rằng ở Mỹ, học sinh trải qua một quá trình sàng lọc để chọn ngôi trường ĐH khá kỹ lưỡng.
Quá trình này thậm chí còn kéo dài đến hết 2 năm đầu ĐH. “Nhiều trường đại học ở Mỹ trong hai năm đầu sinh viên chưa phải chọn chuyên ngành, thậm chí nhiều sinh viên chưa nghĩ học chuyên ngành gì” – bà Nguyệt Cầm nói.
Vị giảng viên Mỹ gốc Việt còn cho hay, có hiện tượng là thay vì xin vào những trường học lớn ngay từ đầu, nhiều sinh viên (trong đó có học sinh Việt Nam) chọn học Đại học cộng đồng (giống chương trình 2 năm đại cương của Việt Nam), sau đó mới xin chuyển sang một đại học lớn (tiếng Anh là tranfer).
Tất cả các trường đại học lớn ở Mỹ hàng năm đều có chỉ tiêu tuyển sinh từ Đại học Cộng đồng. Và thường sinh viên biết rõ chuyên ngành mình chọn là gì.
Chia sẻ kinh nghiệm chọn trường ĐH của chính bản thân mình, Isaac Zinoman (học sinh lớp 11 trường Head-Royce ở thành phố Oakland, bang California) chia sẻ rằng cậu đã trải qua một quá trình khá “phức tạp” để chọn sẽ học trường ĐH nào.
Theo Isaac, ở ngôi trường phổ thông nơi cậu đang theo học có rất nhiều hoạt động tư vấn chọn trường ĐH, có một ban - trong đó có những cố vấn để làm việc này.
Một lớp học có khoảng 90 học sinh thì có 3 cố vấn, mỗi cố vấn làm việc với 30 học sinh. Và từ khi học sinh học lớp 11, cố vấn đã bắt đầu trao đổi với học sinh và gia đình để đưa ra gợi ý những trường ĐH nào là khả thi đối với học sinh, dựa trên điểm thi ACT (American College Testing - kỳ thi chuẩn hoá đầu vào ĐH Mỹ của học sinh phổ thông, bao gồm Toán, Văn và bài luận), bảng điểm và các hoạt động xã hội ngoại khóa của học sinh.
Chuẩn bị bước vào lớp 12, dưới sự hỗ trợ của cố vấn, hiện Isaac đã khoanh vùng 9 trường để tiếp tục lựa chọn trong tương lai. Cậu cho biết mình đang quan tâm đến 4 lĩnh vực là Văn chương, Khoa học máy tính, Khoa học môi trường,Âm nhạc và quyết định sẽ lựa chọn ra một công việc thật sự yêu thích và phù hợp sau 2 năm đầu ở đại học. Bố mẹ chỉ cho ý kiến tham khảo chứ hoàn toàn không tác động vào quyết định của cậu.
Trường ĐH ở Mỹ coi trọng hoạt động ngoại khóa và hoạt động vì cộng đồng
Chia sẻ về cách thức thi tuyển và xét tuyển ĐH ở Mỹ đối với học sinh phổ thông, bà Nguyệt Cầm cho hay, mỗi trường ĐH Mỹ có cách thức tuyển chọn sinh viên với tiêu chí khác nhau nhưng cũng có vài điều được coi là chuẩn chung.
Thứ nhất là thành tích học tập ở trường phổ thông; Thứ hai là điểm thi ACT; Thứ 3 là thư giới thiệu của các thầy cô giáo.
Ngoài ra, còn có rất nhiều tiêu chí khác mà có lẽ tuyển sinh ở Việt Nam không có, ví dụ như hoạt động ngoại khóa: Thể thao, Văn hóa, Âm nhạc… và các hoạt động xã hội.
Cụ thể, các bạn học sinh lớp của Isaac mỗi năm được yêu cầu tối thiểu phải tham gia phục vụ cộng đồng 20 tiếng, có thể đọc sách cho người già hay là nấu cơm cho người vô gia cư, tham gia xây nhà cho những người neo đơn… Các hoạt động xã hội đó là rất cần thiết khi nộp đơn tuyển sinh vào Đại học.
Các trường đại học ở Mỹ luôn đề cao các hoạt động xã hội và coi đó là một tiêu chí để xét tuyển ĐH. Ngoài ra, họ cũng coi trọng hoạt động ngoại khóa của học sinh, bên cạnh kết quả học tập ở trường. Một số học sinh có thể có thành tích học tập chưa tốt nhưng nếu thành tích thể thao rất tốt thì vẫn có khả năng được nhận vào nhiều trường đại học “xịn”.
Đáng lưu ý, các trường đại học ở Mỹ theo dõi cả quá trình hoạt động ngoại khóa của học sinh, trong đó họ quan tâm học sinh thực sự say mê cái gì.
“Ví dụ bạn rất say mê đánh cờ và 10 năm bạn chơi đánh cờ thì họ coi đó là ưu điểm của bạn cho dù thành tích đánh cờ của bạn chưa cao lắm. Ngược lại, nếu để họ thấy trong một thời gian mà bạn trải quá nhiều môn khác nhau thì họ sẽ thấy tính chất không chuyên và coi đó là một điểm bất lợi của bạn” – bà Nguyệt Cầm nói.