Nếu tôi không nhầm thì đội Tổng cục Đường sắt là một trong những đội đầu tiên ở miền Bắc vào đá với các đội bóng Sài Gòn ngay sau năm 1975.
Hồi tôi xem thì đã khoảng năm 1977 1978 chi đó, đội Đường Sắt vào đá với đội Huế. Ông Mai Đức Chung trong dàn hảo thủ Đường Sắt khi ấy những là HLV thì Trần Duy Long, cầu thủ thì các anh Phương, Chính, Điểm, Hải và Mai Đức Chung... đã làm dân Huế mê mẩn dù hồi ấy đội bóng Huế đang là con cưng của họ, và nói thật, sự thăm dò Bắc Nam vẫn còn...
Rồi sau đấy, tôi là phan ruột của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam do thầy Chung dẫn dắt. Tất nhiên là do hoàn cảnh, tôi toàn xem trên... tivi. Cứ đội tuyển nữ Việt Nam đá là tôi bỏ mọi công việc để xem, kể cả khi VTV không phát thì tôi xem... lậu, dù biết như thế là sai, vi phạm luật bản quyền, là tiếp tay cho... hàng lậu. Nhưng không thể không xem.
Và càng thêm quý, thêm nể thầy Chung.
Ông Chung đã thổi một luồng gió mới, lạc quan và tự tin vào các cầu thủ bóng đá nữ Việt Nam. Trong hoàn cảnh bóng đá Việt Nam luôn ì ạch ở vùng trũng Đông Nam Á, mà người hâm mộ cũng như nhà nước hầu như chỉ quan tâm tới bóng đá nam, ông Chung đã âm thầm, lặng lẽ cùng đội bóng đá nữ Việt Nam liên tiếp lập kỳ tích, từ cô bé lọ lem lột xác thành công chúa.
Nhìn các cầu thủ nữ Việt Nam đá mạch lạc, lăn xả nhưng có mảng miếng, đâu ra đấy, đối đầu và thắng cả các đội lớn, rất thương, và càng thương hơn khi biết chế độ đãi ngộ của thầy trò họ rất thấp, tiền thưởng, từ hai phía, liên đoàn và người hâm mộ, cũng rất thấp so với bóng đá nam, nhưng họ luôn luôn làm chúng ta tự hào, làm được những điều mà các đồng đội nam chưa làm được.
Nhiều cầu thủ xuất thân rất nghèo. Lương cầu thủ chuyên nghiệp phải chia ra gửi về nhà nuôi em, bố mẹ, có người phải bán bánh mì thêm thu nhập, khác các đồng nghiệp nam đa phần có ô tô, đời sống rủng rẻng.
Đội bóng cũng nghèo, có hồi thấy cảnh cầu thủ Văn Thị Thanh phải tập thể lực bằng cách lấy dây thun cột cái lốp ô tô rồi kéo chạy trên sân tập...
Thầy Chung đã biến họ thành một tập thể đoàn kết, ngoan cường, đá giỏi và quan trọng là, không kêu ca, rất khiêm nhường.
Mà ông Chung, tính ra, đời ông chủ yếu là để... lấp chỗ trống.
Theo đồn thổi thì đầu tiên khi ông đang “cầm” đội Đường sắt thì được điều sang “cầm” tuyển nữ Việt Nam, lý do là để... dung hòa, bởi khi ấy gọi là tuyển Việt Nam nhưng thực chất là ghép 2 đội Hà Nội và HCM, cả nước mới có hai câu lạc bộ nữ ấy. Ông đứng giữa nên “cầm” là tốt nhất. Và con đường bóng đá nữ của ông bắt đầu từ đấy.
Ông còn “lấp chỗ trống” hai lần nữa. Một lần là thay HLV người Trung Quốc nắm lại đội nữ, và hai là cũng thay một HLV ngoại nắm tuyển nam.
Và ông cứ âm thầm, nhỏ nhẹ, nhịn nhường thế mà làm. Nhưng làm là thành công.
Một tờ báo thống kê “Sáu lần giành HCV trên cương vị HLV trưởng (trong tổng số 8 lần vô địch SEA Games của đội tuyển bóng đá nữ) - một thành tích đặc biệt xuất sắc. Nhưng đỉnh cao nhất trong sự nghiệp lừng lẫy ấy vẫn là chiến tích giành tấm vé tham dự World Cup 2023, giải đấu đã đưa tên tuổi của ông vào lịch sử của FIFA World Cup với kỷ lục HLV nhiều tuổi nhất dẫn dắt một đội tuyển bóng đá (cả nam lẫn nữ) tại VCK World Cup!”. Việt Nam hiếm người làm bóng đá nào mà thành công cả trên tư cách cầu thủ và huấn luyện viên như thế. Hình như thế giới cũng không nhiều.
Nên giờ ông nghỉ sau khi dẫn đội tuyển nữ vào vòng loại Olympic 2024, trận cuối cùng thua xứng đáng Nhật Bản 0-2.
Thi thoảng xem ông trả lời phỏng vấn trên tivi, rồi đọc các bài báo phỏng vấn ông, càng thấy yêu, quý và thương ông. Hơn bảy mươi tuổi, cặm cụi xa nhà, sau mỗi trận đấu lại thủ thỉ gọi điện thoại cho vợ... báo cáo.
Đối xử với cầu thủ như bố con, ông cháu. Khác giới, cách nhau cả ít nhất là hai thế hệ, nhưng ông đã chứng tỏ mình là người rất hiểu các cầu thủ nữ, được tất cả các cháu yêu mến, vì ông, vâng, trước hết là vì ông, mà họ hết mình cho bóng đá Việt chúng ta có tên trên bản đồ bóng đá thế giới.
Không dễ mà được như thế.
Từ phía ông, tuổi ấy, công thần thế, rất dễ xa cách, rất dễ kiêu ngạo, rất dễ chỉ mệnh lệnh thay tình cảm. Tuổi ấy, nhiều người đã lẫn, lo cho mình chưa xong...
Phía cầu thủ, một đội ngũ toàn nữ, rất nhiều chuyện phát sinh, tâm sinh lý đang phát triển, thường xuyên xa nhà, xuất thân không đồng đều... rất dễ sinh ra hục hặc, bằng mặt không bằng lòng... rồi mất đoàn kết.
Nhưng như chúng ta thấy, cả đội bóng luôn như một khối thống nhất.
Ông Chung, thầy Chung, bố Chung chính là linh hồn của cái khối thống nhất ấy.
Ông xứng đáng được tôn vinh, xứng đáng được chúng ta nể trọng, xứng đáng là công thần bóng đá Việt Nam.
Nó khác rất nhiều với một vài người chả làm được gì nhưng luôn luôn giành công trạng hoặc bỉ bôi.
Với tôi, ông là một tượng đài.
Kính chúc ông về nghỉ an yên tuổi già với bà vợ tào khang của ông, bù đắp cho bà những ngày thường xuyên xa nhau, và tiếp tục là chuyên gia của bóng đá Việt Nam.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.