Chiếc bánh nướng "định mệnh"
Đến nay, đã gần 30 năm trôi qua, nhưng vụ án oan khiến ông Nguyễn Hữu Đạo (SN 1946, trú tại xã Dân Lực, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) bị tuyên án tử hình về tội Giết người vẫn là chuyện còn "nhiều điều phải nói" với những người biết chuyện, và cũng là bài học kinh nghiệm không bao giờ cũ đối với các cơ quan tiến hành tố tụng.
Kỳ án hiếp dâm của ba thanh niên ở Hà Đông đang lơ lửng. Trong ảnh là bị án Nguyễn Đình Lợi. Ảnh: GDVN.
Kỳ án "chiếc bánh nướng định mệnh" bắt đầu vào 22g ngày 22-3-1983, bà Nguyễn Thị Thử (vợ ông Đạo) sang nhà hàng xóm là bà Trịnh Thị T mua rượu cho chồng uống. Đang ăn bánh, thấy bà Thử đến, bà T bẻ mời bà Thử một miếng nhỏ. Bà Thử ăn xong về nhà hai tiếng sau thì bị đau bụng dữ dội, phải đi cấp cứu do ngộ độc thức ăn. Ba mẹ con bà T cũng bị ngộ độc như bà Thử, nhưng do ăn nhiều hơn, 14 giờ chiều hôm sau (23-3), bà T và con gái là chị Thắm tử vong. Bà Thử và cháu Nguyễn Thị Hồng (13 tuổi) được cứu sống.
Trước cái chết bất ngờ của hai người dân, CQĐT Công an tỉnh Thanh Hóa nhanh chóng vào cuộc xác minh vụ việc và bắt Nguyễn Văn Chương (15 tuổi, trú cùng xã Dân Lực) - người đã đem bánh cho mẹ con bà T ăn. Chương khai, việc mua bánh đem cho mẹ con bà T là làm theo lời ông Nguyễn Hữu Đạo. Từ lời khai này, ông Đạo bị bắt ngay sáng hôm sau 23-3-1983.
Theo hồ sơ vụ án, trong lời cung ban đầu, ông Đạo đã thừa nhận có sai Chương đi mua bánh bích qui cho mẹ con bà T ăn. Nhưng sau này, trong 23/24 bản cung, ông Đạo đều phủ nhận điều này, khai rằng lúc mới bị bắt, do sốt ruột vì vợ đang cấp cứu không biết sống chết thế nào, ba đứa con còn nhỏ dại bơ vơ, nên ông đã nghe theo lời điều tra viên là "khai nhận như lời Chương đã khai" để sớm được thả về. Nhưng có lẽ ông Đạo cũng không ngờ, sự "khai bừa" này đã khiến ông lâm vòng lao lý.
Những kết luận vô lý
Tại CQĐT và tại phiên tòa, Chương đều khai ông Đạo sai Chương làm điều này vì thù tức hàng xóm. Ông Đạo vốn là giáo viên, những năm 1970 được điều động vào dạy học trong miền Nam, khi nghỉ chế độ mới về quê. Trước khi ông Đạo về, gia đình ông và gia đình bà T đi chung một ngõ (bà T đi nhờ trên đất nhà ông Đạo). Sau khi về nghỉ chế độ, ông Đạo làm thêm một gian nhà, thẳng ngõ đi vào nên đề nghị bà T mở lối đi riêng. Sau sự việc này, ông Đạo hỏi mua tre nhà bà T, ban đầu bà T đồng ý bán, nhưng say đó lại thay đổi không bán cho ông Đạo nữa, nên hai gia đình có lời qua tiếng lại. Đây cũng là nguyên nhân chính được các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Thanh Hóa căn cứ vào để đưa ra kết luận "ông Đạo thù tức với nạn nhân nên tìm cách đầu độc". Tuy nhiên, qua xác minh ở thôn xóm và lời khai của chính cháu Nguyễn Thị Hồng, đều cho thấy hai gia đình ông Đạo và bà T chưa bao giờ mâu thuẫn với nhau, sau những sự việc trên, vẫn đối xử với nhau bình thường.
Lời khai của Chương cũng không thống nhất, ban đầu Chương khai ông Đạo bảo mua bánh mang cho mẹ con bà T ăn, nhưng sau đó lại khai là tự mình mua. Ông Đạo cũng thừa nhận có bảo Chương mua bánh. Nhưng câu chuyện "khó hiểu" ở chỗ là bánh gì thì hai người mô tả khác nhau. Theo Chương, đó là bánh nướng, còn theo ông Đạo, đó là bánh bích qui. Về chất độc có trong bánh gây nên cái chết của mẹ con bà T, Chương khai không hề biết là chất gì, còn ông Đạo khai đã xin mã tiền của một ông lang trong làng, đem hòa vào nước rồi tẩm vào bánh, đưa cho Chương đem cho mẹ con bà T. Thế nhưng, khi CQĐT xác minh, ông lang đã cho ông Đạo mã tiền, theo lời khai của ông Đạo cho biết chưa bao giờ nhìn thấy mã tiền, chứ đừng nói là cho ông Đạo. Hai lời khai cùng về một sự việc không có gì "ăn khớp" với nhau, nhưng ông Đạo vẫn bị khởi tố bị can về tội Giết người.
Đáng nói, qua hai lần giám định tử thi của Tổ chức giám định pháp y Thanh Hóa và Trung ương, đều không tìm được chất độc có trong bánh gây ra cái chết cho hai nạn nhân là gì. Tiến hành khám nhà ông Đạo, CQĐT thu được trong bếp một vỏ hộp sữa đựng khoảng hai thìa canh thuốc trừ sâu fun-fa-tốc. Biên bản khám xét ghi rất chi tiết: Vỏ hộp sữa được bịt bằng giấy báo, trên phủ một lớp dày bồ hóng và tro bếp.
Lúc này, CQĐT quyết định khai quật tử thi để tiến hành tái giám định lần thứ ba. Viện pháp y quốc gia vào cuộc và kết luận, hai nạn nhân tử vong do bị đầu độc bằng thuốc trừ sâu fun-fa-tốc. Trên cơ sở kết luận giám định pháp y và "chứng cứ" thu được là thuốc trừ sâu trong nhà ông Đạo, CQĐT kết luận, nếu không dùng mã tiền thì bị can Đạo đã dùng… thuốc trừ sâu tẩm vào bánh, nhờ Chương đem đến cho hàng xóm ăn. Sau nhiều lần điều tra bổ sung, vụ án được đưa ra xét xử và Nguyễn Hữu Đạo bị Tòa án tỉnh Thanh Hóa tuyên tử hình về tội giết người.
Minh oan
Ông Đạo kháng cáo kêu oan lên TAND TC và tại cấp xét xử cao nhất này, ông đã được minh oan. Những tình tiết "ngây ngô" trong hồ sơ được chỉ ra: Trước hết, bánh bích qui là loại bánh bị tan ra khi gặp nước, mà lời khai của ông Đạo là đem mã tiền hòa vào nước, sau đó tẩm vào bánh bích qui mà bánh vẫn nguyên vẹn để đưa cho Chương là hết sức vô lý.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn đưa ra nhận định rất "ngẫu hứng": "Loại thuốc trừ sâu fun-fa-tốc những năm 1980 ở miền Bắc không có, mà chỉ có ở các tỉnh phía Nam. Ông Đạo từ Nam ra, nên đã mang theo". Các cơ quan tiến hành tố tụng đã đưa ra kết luận trên, mà bỏ qua lời khai của ông Đội trưởng đội sản xuất xã Dân Lực và nhiều người dân trong xã là cách đấy ba năm, trước khi ông Đạo ra Bắc, xã Dân Lực có phát cho mỗi hộ gia đình hai thìa canh thuốc trừ sâu fun-fa-tốc để phun trừ sâu thử nghiệm.
Điều này cũng phù hợp với lời khai của bà Thử là khi được cấp thuốc, do lúa không bị sâu nên bà cho vào lon sữa, buộc lại rồi cất ở góc bếp và ông Đạo không biết trong nhà có loại thuốc trừ sâu này, kể cả bà cũng quên mất. Chi tiết rất khách quan nữa cũng bị "quên" là khi CQĐT thu thập, vỏ hộp sữa chứa thuốc trừ sâu này vẫn còn hai thìa canh thuốc và bên trên phủ dày một lớp tro bếp và bồ hóng, chứng tỏ lâu ngày không ai đụng đến.
Tại phiên tòa phúc thẩm, lời khai của ông Đạo, của Chương và những chứng cứ thu thập được vẫn không hề có mối quan hệ nhân quả với nhau. Thuốc trừ sâu trong xác hai nạn nhân và thuốc trừ sâu trong vỏ hộp sữa thu được ở nhà bị cáo không liên quan đến nhau, vì ông Đạo không hề biết, và không tẩm vào bánh để đầu độc nạn nhân.
Sau ba năm biệt giam, ông Đạo được Hội đồng xét xử TAND tối cáo do thẩm phán Nguyễn Trọng Tỵ (hiện là chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội) làm chủ tọa tuyên vô tội và trả tự do ngay tại phiên tòa. Lúc này, sức khỏe rất yếu, nên nghe mình được tuyên vô tội, ông Đạo đã không đứng vững nữa. Nhưng vụ việc chưa dừng lại ở đây, bởi việc một bị cáo được tuyên vô tội là chuyện "động trời" trong hoạt động tố tụng, nên bản án tiếp tục bị kháng nghị. Gần một năm sau, vụ việc lại được xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, và HĐXX cuối cùng vẫn tuyên y án.
Ba năm giam oan, và bản án tử hình oan "tày trời", đã khiến bản thân và gia đình ông Đạo vô cùng khốn khổ. Đầu năm 2007, thân nhân của ông Nguyễn Hữu Đạo (ông Đạo đã mất do sức khỏe yếu) đã được TAND tỉnh Thanh Hóa xin lỗi công khai và bồi thường oan sai theo Nghị quyết 388. Đây cũng là vụ án oan đầu tiên được Tòa án tỉnh Thanh Hóa bồi thường oan sai.
Phương Thảo (PLXH)