Văn hóa Á Đông nói chung và Trung Quốc nói riêng luôn rất coi trọng việc mộ táng vì thế mộ phần của người đã khuất luôn được chăm chút cẩn trọng, kỹ càng. Tùy thuộc vào thân phận, gia cảnh mà quy cách mỗi ngôi mộ cũng có sự khác nhau.
Đối với bậc vua chúa, quan lại hay những người có địa vị trong xã hội, họ thường tự chuẩn bị hoặc được con cháu xây dựng những lăng mộ hoành tráng, đồ sộ. Vị trí đặt lăng mộ sẽ được các thầy phong thủy xem xét kỹ lưỡng. Địa hình bên ngoài yêu cầu phải ổn định, không bị thiên tai, tốt nhất nên có sinh cảnh sông nước hoặc ở bên cạnh rừng cây.
Với quan niệm để sang thế giới bên kia cũng được sung túc, người Trung Quốc xưa còn có tập tục chôn dưới lăng mộ rất nhiều đồ tùy táng có giá trị như vàng bạc, châu báu. Chính giá trị của những vật phẩm này khiến bọn đạo tặc bất chấp đạo đức mà xâm phạm mồ mả. Vậy nên, khi thiết kế và xây dựng lăng mộ, người xưa thường tính tới phương án tạo ra những chiếc bẫy đề phòng trộm cắp.
Trong suốt quá trình khảo cổ, các nhà khoa học cũng đã khám phá ra rất nhiều lăng mộ kèm theo những cái bẫy thông minh và thâm hiểm, thể hiện trí tuệ cũng như sự sáng tạo của người xưa. Một trong số đó là lăng mộ được mệnh danh là "đệ nhất hung mộ" của Trung Quốc, cùng với lăng Tần Thủy Hoàng, nằm ở thành phố Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc.
Ngôi mộ được phát hiện vào năm 1981. Khi người dân nơi đây đang tiến hành đào móng xây nhà mới, họ đã vô tình đào trúng một bia đá. Thấy trên bia có nhiều văn tự cổ, người dân nghi ngờ phía dưới lòng đất có lăng mộ nên đã báo cáo chính quyền địa phương.
Năm chuyên gia khảo cổ sau đó được huy động để đánh giá tình hình. Đúng như dự đoán, nhóm khảo cổ đã tìm thấy một lăng mộ bề thế dưới hàng chục mét đất sâu. Mộ được xác định là có nguồn gốc từ thời Ngũ Đại (907 - 960). Chủ nhân của nó nhiều khả năng là một vị vương hầu. Nếu đúng như vậy thì qua thời gian ngôi mộ có lẽ đã không được yên ổn với những tên mộ tặc.
Các chuyên gia không khó để nhận ra các dấu hiệu cho thấy có sự đột nhập trước đó. Tuy nhiên, vào sâu bên trong, họ vô cùng ngỡ ngàng khi thấy cửa lăng mộ không bị cạy, lớp bụi gần như vẫn còn nguyên.
Sau khi khảo sát kỹ, các nhà khảo cổ học phát hiện ra rằng, sở dĩ ngôi mộ trở nên “bất khả xâm phạm” là do nó đã được thiết kế một chiếc bẫy rất hiểm độc, chỉ chực chờ tiêu diệt những ai dám xâm phạm nơi yên nghỉ của người nằm bên trong.
Theo đó, khi đào sâu vào phía trong, các nhà khảo cổ nhận thấy có rất nhiều bộ hài cốt lẫn trong đất cát. Càng khai quật sâu, những bộ xác khô lộ ra càng nhiều. Ước tính có khoảng 80 hài cốt thuộc nhiều niên đại khác nhau chồng chất xung quanh mộ cổ. Họ tử vong trong nhiều tư thế: Có người dáng vặn vẹo, có người miệng há to, có người khuyết tay, khuyết chân,... trông rất bi thảm và rùng rợn.
Vì những bộ xương này không có niên đại giống nhau, tức không phải người tuẫn táng cùng chủ nhân ngôi mộ. Do đó các nhà khảo cổ học cho rằng, tất cả những cái xác chồng chất đều là kẻ trộm mộ. Trong 1 thiên niên kỷ, đã có gần 100 đạo tặc tới đây tìm kiếm kho báu, nhưng tất cả đều phải bỏ mạng, không một ai sống sót. Vậy bên trong ngôi mộ ẩn chứa bí mật gì mà nguy hiểm đến vậy?
Xem xét kết cấu lăng mộ, các nhà khoa học nhận định, xung quanh tường và trên trần lăng mộ không phải đất thông thường mà đã thay thế toàn bộ bằng cát mịn. Cát được dùng là loại cát biển được rang nóng cho bay sạch hơi nước và không bị dính vào nhau, từ đó trọng lượng rất nhẹ, dễ trôi. Mỗi khi có người đào đường xuống lăng, dòng cát sẽ theo lỗ hổng do chính họ đào ra trôi xuống dưới. Cát chảy liên tục không dừng lại sẽ bịt kín đường lên, khi ấy các mộ tặc sẽ không có cách nào thoát ra.
Đặc biệt, dưới lớp cát lún còn có rất nhiều viên đá sắc nhọn ẩn mình. Những viên đá này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người.
Vậy là những kẻ đột nhập chỉ có thể chết dần chết mòn ở bên trong, đối mặt với sự thiếu khí, đói khát, tăm tối và sợ hãi một cách từ từ cho đến khi gục xuống. "Người nào đến đây đào trộm mộ thì chỉ còn một con đường chết", một chuyên gia khai quật nói.
Có thể thấy, cái bẫy được đặt ra trong ngôi mộ không quá phức tạp nhưng hiệu quả cực kỳ cao. Chính vì thế, ngôi mộ này được mệnh danh là "ngôi mộ hiểm độc nhất Trung Quốc" hay "đệ nhất hung mộ".
Thời điểm năm 1981, lượng cát bên trên lăng mộ đã trôi hết nên khi các nhà khảo cổ bước vào, hiện tượng cát lún không xảy ra nữa.
Bên trong lăng mộ, nhóm khảo cổ tìm thấy rất nhiều di vật. Nhờ cấu trúc phòng thủ bên ngoài được thiết kế độc đáo nên ngôi mộ cùng các đồ tùy táng vẫn còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, chủ nhân của ngôi mộ hiểm độc nhất Trung Quốc này đến nay vẫn còn là một bí ẩn.
Minh Hoa (t/h)