Con gái yêu của mẹ,
Từ hôm con chuyển công tác lên vùng cao, mẹ lúc nào cũng thương nhớ và mong tin con. Tuy đã khuya, nhưng mẹ vẫn cố viết cho con mấy dòng, về một sự việc đáng tiếc xảy ra trong môi trường sư phạm thời gian gần đây: Vụ học sinh lớp 4 ở Quảng Ninh ném bút làm hỏng mắt bạn.
Đọc xong tin tức, tim mẹ cứ đập thình thịch mãi. Mẹ ước giá như có một phép màu có thể chữa lành nhãn cầu và giác mạc, lấy lại thị lực cho cô bé tội nghiệp ấy. Thực tế đang diễn ra quá đau buồn và khó chấp nhận, nhưng cách xử sự của những-người-lớn trước thực tế này còn khiến người ta khó chấp nhận hơn.
Mẹ thực sự sốc khi thấy đám đông hùa vào nhục mạ, chửi bới cô Liên - cô giáo giảng dạy tại lớp học ngày hôm đó bằng những lời lẽ xấu xí nhất trên Facebook, khiến cô Liên phải khóa tài khoản của mình.
Ở đời, không ai lường hết được chữ ngờ, vậy nên tiếng Việt mới có các từ "sự cố", "tai nạn", “rủi ro”... Huống hồ "Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò", ai từng cắp sách đến trường mà không biết các em học sinh nghịch ngợm như thế nào.
Lỗi của cô Liên là không báo cáo nhà trường cũng như thông báo đến gia đình em Yến Nhi ngay sau khi sự việc xảy ra và chắc chắn cô Liên sẽ phải chịu trách nhiệm vì sự vô tâm của mình, nhưng sao cư dân mạng có thể dễ dàng xúc phạm, đổ mọi tội lỗi lên đầu một người không được chứng kiến hành vi (ném bút) của học sinh và chỉ cảm nhận mức độ nghiêm trọng của vụ việc qua lời kể của các em?
Mẹ rất muốn bảo họ hãy chú ý tới thời điểm xảy ra sự việc và thời điểm cô bé được đưa đi khám: Theo báo cáo từ Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Cẩm Phả, em Lộc đã cầm bút bi ném lên phía trên, đúng lúc em Nhi quay xuống và không may bị bút rơi vào mắt trong tiết học thứ 2 chiều ngày 16/12/2016.
Cô Liên đã hỏi thăm em Nhi, phê bình em Lộc trước cả lớp rồi tiếp tục dạy hết tiết học. Em Nhi cũng học hết tiết 4 của buổi học hôm đó và ra về bình thường. Vào sáng thứ 2, ngày 19/12, em Nhi được gia đình cho nghỉ học và đưa tới bệnh viện khám.
Khi nghe Nhi kể bị bạn ném bút vào mắt (sau khi tan học), tại sao người thân không đưa em đi thăm khám bác sĩ ngay? Sao một người thân của em khi chia sẻ “chi tiết” câu chuyện trên mạng xã hội cùng câu hỏi “lương tâm một nhà giáo Việt Nam để ở đâu?” lại viết mập mờ về thời gian đưa Nhi đi khám ở viện? Chẳng lẽ một thế lực siêu nhiên nào đó đã đem Thứ bảy và Chủ nhật sang hành tinh khác?
Mẹ thấy, nếu đong đếm sự vô tâm bằng thời gian, thì sự vô tâm của gia đình còn lớn gấp mấy lần sự vô tâm của cô giáo chủ nhiệm.
Viết đến đây, mẹ cảm thấy gai sống lưng. Trước hậu quả đáng tiếc xảy ra một phần do sự chủ quan của bản thân, có người hối lỗi và dũng cảm nhận trách nhiệm; có người lại tìm cách đổ hết lỗi lầm cho người khác để xua đi nỗi day dứt trong lòng mình.
Thôi thì con hãy nhớ lời mẹ dặn: Cẩn tắc vô ưu. Vì chẳng ai biết được một chiếc bút bi đi lạc sẽ gây ra những chuyện gì đâu con.
Mong thư con
Mẹ
N. T. H.