Án mạng từ chiếc cửa cuốn
Được dẫn vào phòng xử án, Đỗ Quốc Hùng (SN 1964, quê quán Hà Nội) không dám quay mặt nhìn về phía sau, dù biết ở phía đó, có vợ Hùng đang ngóng đợi. Nhìn cái đầu trọc lóc của bị cáo, không ít người dự khán tỏ ý nghi ngờ về nhân cách của gã. Thế nhưng, những người dự phiên tòa hôm đó không khỏi xót lòng, bởi, gã vào tù chỉ vì sự bội tín của một công ty và một phút giây hồ đồ, thiếu kiềm chế của chính mình.
Hùng lí nhí, cúi đầu nghẹn ngào khi nhớ lại tội lỗi của mình. Khoảng tháng 10/2011, được anh trai nhờ, gã đến công ty TNHH T. ở phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP.HCM mua một chiếc cửa cuốn. Nhưng mới chỉ dùng được mấy ngày thì chiếc cửa đã xảy ra sự cố, thậm chí không thể kéo được. Thấy vậy, anh trai Hùng lại nhờ gã đến công ty T., yêu cầu công ty cử nhân viên đến xem lại chiếc cửa. Khi Hùng gọi điện đến công ty, yêu cầu cho người đến bảo hành chiếc cửa, nhân viên của công ty này cũng dạ thưa một cách nhã nhặn. Tuy nhiên, hứa thì cứ hứa, Hùng càng chờ, nhân viên của công ty càng... mất hút.
Biết gọi điện không có kết quả, gã tìm đến trụ sở công ty. Tại đây, nhân viên của công ty chỉ ậm ừ rồi vẫn không đến kiểm tra cửa cho Hùng. Đến mấy lần mà không được giải quyết, Hùng bức xúc, đòi gặp giám đốc công ty T. để nói chuyện, nhưng nhân viên công ty không chấp nhận. Cực chẳng đã, Hùng phải xin số điện thoại của giám đốc. Qua điện thoại, vị giám đốc bảo gã cứ yên tâm về, ông sẽ cho nhân viên đến bảo hành cửa ngay. Nhưng cũng giống như nhiều lần trước, lời hứa của công ty T. cứ trôi theo thời gian. Trong khi đó, chiếc cửa cuốn vẫn hỏng khiến anh trai gã rất bực mình.
Ngày 12/1/2012, sau khi đi làm về, Hùng mang nỗi ấm ức, khó chịu đến công ty T. một lần nữa. Khi đến đây, gã vẫn nhã nhặn yêu cầu: "Tôi đã đến nhiều lần, chiếc cửa quan trọng, mong mấy anh đến sửa giúp". Và điệp khúc cũ vang lên: "Anh về nhà rồi công ty sẽ cho người đến bảo hành". Nghe đến đây, Hùng giận tím người quát: "Bao nhiêu lần mấy anh hứa mà có tới đâu. Đã mua chiếc cửa, gia đình tôi lại phải mất thêm người để giữ nhà". Nhân viên công ty T. vẫn nhẹ nhàng: "Thì anh cứ về đi, chúng tôi sắp xếp và sẽ cho nhân viên đến sửa". Không kìm nổi cơn giận, Hùng nghĩ, phải lấy một thứ gì đó của công ty để làm tin, khi nào nhân viên đến sửa xong thì sẽ trả. Nhìn quanh, thấy có chiếc máy hàn và cuộn dây điện, gã chạy đến cầm rồi bảo: "Tôi cầm cái này về, lúc nào mấy anh đến bảo hành xong cửa thì tôi sẽ hoàn trả".
Thấy Hùng lấy tài sản của công ty, hai nhân viên xông ra cự cãi và xô xát. Ông Huỳnh Văn N. chạy lại cầm miếng sắt đánh vào tay Hùng gây thương tích. Trong cơn tức giận, Hùng rút con dao để sẵn trong túi quần ra đâm một nhát khiến ông N. gục ngay tại chỗ. Thấy máu chảy, gã hoảng hồn đứng im như trời trồng. Sau khi bình tĩnh lại, gã nhờ mấy nhân viên của công ty bồng nạn nhân đến bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng, ông N. đã tử vong.
Bị cáo Hùng tại phiên tòa.
Sám hối muộn màng
Mới đây, TAND TP.HCM đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử Đỗ Quốc Hùng về tội giết người. Đứng sau vành móng ngựa, gã lí nhí khai nhận hành vi tội lỗi của mình. Gã thừa nhận hành vi của mình là sai trái, nhưng khẳng định mình không cố ý sát hại ông N.. Trước khi đến công ty T., gã mới đi cắt kính cho khách hàng về nên con dao vẫn còn để trong túi. Lúc xảy ra xô xát, lại bị nhân viên của công ty đánh bị thương, đau, trong cơn giận dữ đang dâng trào, Hùng sực nhớ đến con dao trong túi và lôi ra đâm ông N..
"Tôi đã đến công ty rất nhiều lần với yêu cầu phải cho người đến sửa lại cửa nhưng vẫn không được. Tôi đã mất một số tiền lớn để mua cửa nhưng sau khi mua lại chuốc lấy sự khó chịu, bực mình. Tôi không cần công ty phải làm gì nhiều, chỉ cần cử người đến sửa cửa nhưng lại không được chấp thuận", gã lí nhí nói.
Hùng cũng thừa nhận, tức giận vì nhiều lần yêu cầu công ty đến bảo hành chiếc cửa mà không được nên mới nghĩ đến chuyện lấy đồ vật của công ty T. để làm tin. "Bị cáo không hề có ý định lấy chiếc máy hàn và cuộn dây điện mà chỉ là muốn tạo áp lực cho phía công ty", gã cúi đầu nói. Vào thời điểm đó, bản thân Hùng cũng không ngờ rằng, vì hành động này mà mình lại trở thành kẻ giết người, còn một người vô tội đã phải ra đi mãi mãi.
Khi nhắc đến tội lỗi của mình, gã nhẹ nhàng xin HĐXX cho mình nói lời xin lỗi gia đình bị hại. Được chấp thuận, nước mắt lăn dài trên má, hai tay chắp phía trước, gã xoay người lại, giọng hối lỗi: "Tôi biết rằng hành động của mình là sai trái. Cũng chỉ vì nóng giận tức thời mà tôi đã gây ra cái chết cho ông N.. Bao ngày qua, ngồi trong trại giam, tôi đã nghĩ về tội lỗi của mình rất nhiều. Mỗi đêm, những hình ảnh ấy lại trở về khiến tôi không thể nào chợp mắt được. Dẫu biết rằng, có nói thế nào thì ông N. cũng không thể sống lại được, tôi chỉ mong gia đình rộng lòng mà tha thứ cho tội lỗi của tôi. Tôi chỉ mong sớm được trở về, đến nhà, thắp nén nhang để tạ tội trên bàn thờ của ông N.". Nói đến đây, nước mắt Hùng lại tuôn trào. Đưa tay lau vội dòng lệ đang rơi, gã cúi đầu nhìn vành móng ngựa.
Hành động của bị cáo khiến những người dự khán động lòng thương cảm. Họ đều cảm nhận được sự hối lỗi chân thành của gã. Nhưng, đúng như những gì gã nói, hối hận thì cũng đã muộn. Hy vọng sau này, gã sẽ có cách hành xử khác mỗi khi gặp chuyện bất như ý.
Tất cả vì chữ tín
Không giống những phiên tòa xét xử vụ án giết người khác, trong phiên tòa này, gia đình bị hại không trách móc bị cáo nửa lời. Có lẽ, họ cũng biết người thân của mình cũng có một phần lỗi. Người của công ty T. thừa nhận, bị cáo có đến yêu cầu nhân viên đến bảo hành nhiều lần và luôn được "khất" để chờ sự sắp xếp của công ty. Nghe đến đây, vị chủ tọa phân tích: "Trong công việc kinh doanh, chữ tín luôn phải đặt hàng đầu, chữ tín cũng quyết định sự tồn vong của doanh nghiệp. Trong khi đó, trường hợp này, công ty T. chỉ nghĩ đến chuyện bán hàng còn vấn đề hậu mãi lại để sang một bên. Chỉ vì sự thiếu trách nhiệm, chữ tín không có mà hậu quả lớn đã xảy ra, một người chết, một người phải vào tù. Nếu công ty tôn trọng chữ tín, đến bảo hành chiếc cửa sớm thì chuyện đau lòng này đã không xảy ra".
Cố giấu mình ở một góc phòng xử án, vợ bị cáo Hùng nhẹ nhàng cho biết, Hùng là người đàn ông hiền lành, ít nói và luôn có chữ tín đối với người khác. "Cũng chính vì sự thiếu trách nhiệm của phía công ty nên anh ấy mới hành động không đúng", vợ Hùng nói.
Khi biết chồng mình hạ sát người khác là sai, vợ của Hùng đã cố gắng vay mượn khắp nơi để có một ít tiền đưa đến nhà bị hại khắc phục một phần hậu quả. "Tôi biết chồng tôi sai. Dù có đưa cho gia đình bị hại bao nhiêu tiền đi nữa thì cũng không khiến ông N. sống lại được. Tôi chỉ hy vọng, gia đình bên đó giảm bớt một phần đau thương", người phụ nữ bất hạnh chia sẻ.
Theo lời kể của vợ Hùng thì Hùng là người hiếu thảo, mặc dù hai vợ chồng làm mỗi tháng chỉ được vài triệu đồng, nhưng muốn được chăm sóc cha mẹ nên xin các anh em cho mình được rước về phụng dưỡng. Mỗi khi đi làm về, gã luôn đến hỏi thăm sức khỏe của cha mẹ trước tiên. Gã từng bảo với vợ: "Mình không giàu, sống chắt bóp một tí nhưng vẫn có thể trả hiếu cho cha mẹ được đôi phần". Do tuổi tác đã cao nên trong phiên tòa xử con trai, cha mẹ Hùng đã không đến được. "Ông bà cũng muốn đến lắm, nhưng không thể đi được. Vả lại, chúng tôi sợ, khi đến đây ông bà sẽ đau khổ làm bệnh tình lại càng nghiêm trọng nên khuyên ông bà ở nhà", vợ Hùng cho biết.
Sau khi nghị án, HĐXX nhận thấy, hành động của Hùng là hết sức man rợ, gây ra nỗi đau, mất mát lớn cho gia đình bị hại. Tuy nhiên, nguồn cơn của vụ án là sự bội tín của công ty T. và nạn nhân cũng đã gây thương tích cho bị cáo trước. Sau khi vụ án xảy ra, bị cáo đã đến công an đầu thú, thành khẩn khai báo, có tác động đến gia đình bị hại khắc phục một phần hậu quả, đã từng tham gia quân đội... Cuối cùng, HĐXX quyết định tuyên phạt Hùng sáu năm tù giam.
Thiếu trách nhiệm với khách hàng "Trong kinh doanh, chữ tín luôn được đặt lên hàng đầu. Vậy nhưng, công ty T. lại không tôn trọng khách hàng. Sau khi bán sản phẩm, họ đã bỏ mặc khách hàng. Sản phẩm bị hỏng, khách hàng nhiều lần đến yêu cầu công ty bảo hành nhưng không được nên mới xảy ra hậu quả nghiêm trọng", luật sư bào chữa cho bị cáo phân tích. |
Huy Linh