Ông Ma Văn Nhật (54 tuổi, trú tại xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) 18 năm trước (tháng 6/1998) từng bị tai nạn giao thông khiến chiếc ghi đông xe đâm vào mạng sườn. Sau khi thăm khám tại Bệnh viện đa khoa huyện Chợ Đồn, ông được chuyển ra Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn.
Tại đây, ông được thăm khám và chỉ định mổ. Đã 18 năm trôi qua, ông Nhật không còn nhớ hết bác sỹ nào đã mổ cho mình.
Sau khi mổ về, ông Nhật vẫn ăn uống và sinh hoạt bình thường, ông vẫn đi rừng và làm các công việc nặng nhọc khác, cũng không thăm khám lại.
Thời gian đầu ông thấy không ảnh hưởng gì, nhưng gần đây, ông cảm thấy đau bụng âm ỉ, gia đình nghĩ ông bị đau dạ dày nên mua thuốc về uống nhưng không thấy hiệu quả.
Gần đây, cũng do một tai nạn, ông đi khám tại Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) thì phát hiện trong bụng mình có một kéo dài 15 cm.
Theo kết quả siêu âm ngày 25/12/2016 của Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên, di vật này là một chiếc panh chuyên dùng để mổ của ngành y.
Kết quả siêu âm ổ bụng ông Nhật 2 ngày sau đó tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn cũng cho kết quả tương tự.
Ông Nhật cho biết, từ lần bị mổ năm 1998 đến nay ông chưa hề đi bệnh viện khám cũng như phẫu thuật lần nào. Do đó, việc có chiếc panh trong ổ bụng của mình chỉ có thể do bác sỹ quên khi phẫu thuật năm 1998.
Hiện nay gia đình đã phản ánh vụ việc đến Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn – là nơi đã tiến hành phẫu thuật cho ông Nhật cách đây hơn 18 năm.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, TS. Nguyễn Đình Học – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn xác nhận trường hợp của ông Nhật, đồng thời cho biết, phía Bệnh viện đa khoa Bắc Kạn cũng đã có báo cáo chi tiết lên Sở.
Sau khi nhận được báo cáo từ bệnh viện, ban lãnh đạo Sở Y tế Bắc Kạn cũng có chỉ đạo bệnh viện phải chủ động phối hợp cùng gia đình để làm sao đưa chiếc panh đó ra khỏi bụng ông Nhật, đảm bảo sức khỏe cho bệnh nhân.
“Bản thân bệnh nhân 18 năm qua vẫn khỏe mạnh bình thường. Sau khi đi chụp chiếu mới phát hiện ra trong bụng mình có chiếc panh chuyên dùng để mổ của ngành y.
Chúng tôi cũng chỉ đạo phía bệnh viện chủ động phối hợp cùng gia đình đưa chiếc panh đó ra bằng phương pháp an toàn nhất. Còn việc thực hiện đưa chiếc panh đó ra sẽ tiến hành ở đâu là tùy lựa chọn của gia đình, có thể trao đổi lại với bệnh viện.
Đây là tai nạn nghề nghiệp không ai nói trước được. Sự việc xảy ra cách đây 18 năm, lúc đó bệnh viện tỉnh còn rất sơ khai, đội ngũ y, bác sĩ ít. Gần 20 năm đã có nhiều sự đổi khác. Kíp mổ năm xưa cũng có người đi rồi, người nghỉ hưu.
Nếu sự việc đó xảy ra thời điểm này là rất nặng nề còn xảy ra thời điểm đó tôi không đánh giá được. Điều quan trọng chúng ta sau khi phát hiện ra phải khắc phục để đảm bảo sức khỏe cho bệnh nhân. Hai bên cùng thống nhất phương án cho chủ động, mổ phiên để lấy chiếc panh ra chứ cũng không có gì quá căng thẳng”, ông Học nói.
Trước đó, trao đổi với phóng viên về vấn đề tai biến trong y khoa, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết: Tai biến y khoa có thể do sai sót chuyên môn kỹ thuật trong khám, chữa bệnh như nhầm thuốc, nhầm phẫu thuật (người bệnh,vị trí, phương pháp, sót dụng cụ), chẩn đoán sai/chậm; phác đồ/ quy trình không cập nhật, do nhân viên y tế (nhân viên mới, tắc trách…)... Nhưng tai biến y khoa cũng có thể do xảy ra ngoài ý muốn trong khám bệnh, chữa bệnh mặc dù người hành nghề đã tuân thủ các quy định chuyên môn kỹ thuật.
Để giải quyết vấn đề trên, bảo hiểm trách nhiệm chính là hình thức bảo hiểm giúp chung sức giải quyết trách nhiệm cho người hành nghề, cho cơ sở khám, chữa bệnh khi xảy ra tình huống tai biến không mong muốn đó.
Nguyễn Huệ