Tiếng sét ái tình tuổi lên 8
Nhà thơ Hoàng Cầm tên thật là Bùi Tằng Việt, sinh ngày 22/2/1922 tại xã Phúc Tằng, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Cái tên của ông được cha ông ghép từ tên xã, tên huyện. Sau này, cậu bè lấy tên một vị thuốc rất đắng trong hộc tủ của bố làm bút danh cho mình, Hoàng Cầm.
Thi sĩ Hoàng Cẩm kể, ông tự lập từ nhỏ, vì 5 tuổi đã phải xa gia đình lên tỉnh lỵ Bắc Giang để trọ học. Cậu bé Việt khi ấy phải tự chăm sóc bản thân, tự giác trong học tập và điều đó khiến Việt già dặn hơn so với những đứa trẻ khác cùng lứa.
Năm 8 tuổi, cậu biết yêu. Thuở ấy, thứ tình cảm kỳ lạ kia đến với cậu bất chợt vào một buổi chiều thứ Bảy. Đó là buổi chiều “định mệnh” của năm 1930, cậu bé Việt từ Phủ Lạng Thương về thăm nhà và bất ngờ gặp một cô gái. Cô gái 16 tuổi quá đỗi xinh đẹp ấy khiến cậu choáng váng ngay lần gặp mặt đầu tiên.
Tiếng sét ái tình khiến Việt không nguôi nghĩ về chị và rồi thứ Bảy tuần sau, cậU về trao cho cô gái một bài thơ “tỏ tình”, đó là bài thơ lục bát dài hơn trang giấy, trên tờ giấy vẽ hoa bướm, ngọn núi, dòng sông... và có dòng chữ “Em gửi chị Vinh của em” được viết nắn nót bằng mực tím.
Khi đã ở cái tuổi xế chiều, thi sĩ Hoàng Cầm vẫn nhớ như in ngày đầu tiên đó và hình ảnh của người con gái ấy chưa bao giờ phai mờ dù thời gian vốn dĩ tàn nhẫn. Nói về chị, ông chia sẻ, chị giống như một thiên thần và ngày lập tức, tâm hồn của cậu bé 8 tuổi bị “chiếm đoạt”. Kể từ lần đầu gặp gỡ ấy, chị chiếm hết con tim, khối óc của Việt khiến cậu chẳng còn biết trời đất, quên cả học hành.
“Tôi suốt ngày chỉ ngong ngóng sang bên kia đường, xê xế nhà tôi khoảng 20m, nơi thiên thần của tôi ngồi bán quán nghèo, phố nhỏ đìu hiu, tỉnh nhỏ... Tôi phải lòng chị, cứ thế giăng mắc tơ tình quanh chị suốt 4 năm trời, đến năm tôi 12 tuổi thì chị đi lấy chồng...” (Tám nhịp tuần du, NXB Văn học, 12.1999).
Lá diêu bông
Theo lời kể của thi sĩ Hoàng Cầm thì chị Vinh là người con gái tuyệt vời. Người con gái ấy vì quá hoàn hảo đã gieo thương nhớ cho nhiều chàng trai. Chị biết chữ Nho, đọc thông Quốc ngữ và hát quan họ hay đến mức, ai nghe một lần cũng sẽ ngẩn ngơ.
Hoàng Cẩm nói, giọng hát của chị cũng làm người ta mê ngang với nhan sắc của chị. “Giọng ngọt, say như mật ong, đôi mắt đen buồn thăm thẳm với hàng mi cong và dài, đôi môi đã hồng lại còn cắn chỉ quết trầu, răng đen rưng rức hạt na” của chị khiến biết bao chàng trai đắm đuối.
Với thi sĩ Hoàng Cầm, người con gái ấy đẹp tựa thần tiên và là người con gái dù là cậu bé hay ông lão thì hình ảnh vẫn chẳng thể phai mờ.
“Em vẫn bồi hồi nhớ từng sợi tóc chị dán trên vầng trán, từng con mắt chị lúng liếng tình tứ, từng giọng hát, từng nụ cười. Em còn ngửi thấy hơi tóc ấm của chị thoảng mùi hương nhu mới gội buổi chiều. Cả suối tóc ấy làm thành thế giới say mê của riêng em từ độ ấy đến ngày nay, dẫu tóc em đã trắng hết, em vẫn có thể vẽ đúng chân dung chị tuyệt vời. Ảnh chị in màu trong hồn em, không một nhà khoa học nào có thể làm ra cho em được những tấm ảnh như em đang có, vẫn còn đầy đủ và tươi tắn, nguyên vẹn từ hơn sáu chục năm rồi đấy, chị ơi!...”, thi sĩ Hoàng Cầm viết.
Người con gái ấy cũng chính là người mang đến chiếc lá huyền diệu. Chiếc lá ấy xuất hiện trong một buổi chiều Giáng sinh năm 1934. Buổi chiều hôm đó nắng hanh vàng ruộm, gió lạnh se se. Chị Vinh “diện” váy kiểu Đình Bảng, “áo lụa cánh màu mỡ gà, bên ngoài áo ghi lê tím, bên trong yếm nhạt cánh sen, lưng thắt dải lụa đào, bước thoăn thoắt ra cánh đồng còn trơ gốc rạ dưới chân dãy núi Neo, cậu bé 12 tuổi lập tức “vọt” theo. Chị đi trên bờ ruộng, cứ vạch từng búi cỏ đầu bờ hoặc ở những bụi cây trên mấy gò nhỏ rồi cắm cúi tìm... Cứ thế, chị đi trước và tìm, cậu bé lẽo đẽo theo sau. Bỗng chị quay lại mắng: “Ơ hay! Sao mày cứ theo tao lẵng nhẵng thế nhỉ?””.
Cậu bé Việt khi đó vì quá tò mò nên đã hỏi: “Chị Vinh ơi, chị tìm gì thế?”. Bỗng chị quay lại, nhìn thẳng vào mắt cậu bé, giọng bỡn cợt: “Chị tìm cái lá diêu bông, đứa nào tìm được cái lá ấy chị sẽ gọi làm chồng. Với cậu bé Việt, lá diêu bông là chiếc lá huyền thoại vì khi có nó cậu sẽ được gọi là chồng. Thế nhưng, cuối năm đó, chị Vinh đi lấy chồng để cậu bé Việt ôm mãi mối tình đầu ngây thơ nhưng khắc cốt.
Hai mươi lăm năm sau, trong một đêm mùa đông cuối năm 1959 tại nhà riêng ở phố Lý Quốc Sư, Hà Nội, ông đã viết Lá diêu bông.
"Lời bài thơ do một giọng nữ rất trong trẻo, nhưng không phân biệt được là giọng của ai, cứ đọc lên rành rọt từng lời một và tôi nghiêng người về phía ngọn đèn ngủ chép tốc ký", thi sĩ Hoàng Cầm kể.
Ở thập niên 1980, nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc cho Lá diêu bông với nội dung bài thơ được giữ nguyên chỉ thêm vào hai câu ở cuối bài: Em đi trăm núi nghìn sông/Nào tìm thấy lá diêu bông bao giờ. Ngay khi ra mắt, Lá diêu bông đã được công chúng đón nhận nồng nhiệt, người ta trao cho ông những mỹ từ để ca ngợi tài năng. Tiếc thay, không lâu sau đó, khi làn sóng của truyền thông qua đi, Lá diêu bông cũng dần đi vào lãng quên.
Đầu thập niên 1990, bài hát Sao em nỡ vội lấy chồng của Trần Tiến ra đời. Đó là thời kỳ đỉnh cao của Lá diêu bông. Ca khúc này đã mang Lá diêu bông của nhà thơ Hoàng Cầm đến với đông đảo công chúng và đến nay, ca khúc này vẫn được công chúng đặc biệt yêu thích. Nghệ sĩ thứ ba cũng từng phổ nhạc bài thơ Lá diêu bông là nhạc sĩ Nguyễn Tiến. Chuyện tình lá diêu bông của Nguyễn Tiến mang đậm chất dân ca. Tuy nhiên, ca khúc không giúp nhạc sĩ Nguyễn Tiến có được danh tiếng, rực rỡ như Trần Tiến và Phạm Duy.
Nguồn: Tổng hợp