Câu chuyện về cô Hiệu trưởng trường mầm non xã Xuân Giao (Bảo Thắng, Lào Cai) cùng 2 giáo viên dọa một đứa trẻ 5 tuổi bằng cách dốc đầu bé vào máy vặt lông gà đang khiến dư luận sôi sục. Đa số đều căm phẫn và lên án hành động này của các cô.
Tất nhiên, các cô sai quá rõ ràng, không thể bênh được chút nào. Nhưng nó chỉ là một trong các câu chuyện bạo hành trẻ em xảy ra liên tiếp trong thời gian gần đây khiến nhiều bậc phụ huynh dường như cảm thấy chán nản, buồn nhiều hơn giận.
Khi biết được câu chuyện này, tôi đã liên tưởng ngay đến vụ bạo hành trẻ ở TP.HCM cách đây hơn 3 năm với chi tiết tương đồng đã trở nên nổi tiếng đến tận ngày hôm nay, chắc hẳn mọi người còn nhớ: Thùng phuy xanh.
Tất nhiên mọi sự so sánh đều khập khiễng. Không thể bênh hành vi của cô bảo mẫu ấy rằng khi mắc sai lầm còn quá trẻ tuổi đời và non tuổi nghề, chưa có con nên không biết xót hay đại loại vậy vì trước tiên, nó là phạm trù đạo đức. Cô gái ấy đã phải nhận mức án 3 năm tù giam vì "tội Hành hạ người khác”. Nhưng những ký ức đáng buồn vẫn ám ảnh nhiều người và nhất là người trong cuộc.
Đứa trẻ có thể chỉ sợ hãi trong một khoảng thời gian ngắn, sau này khi lớn lên chúng sẽ quên đi, nhưng người lớn mới phải chịu đựng những nỗi đau, sự dằn vặt có thể theo họ đến cuối đời.
Tôi nhớ mang máng hồi còn đi học mẫu giáo, bạn nào hư bị cô phạt úp mặt vào tường hay đứng góc lớp, bị cả lớp “ê”, chỉ có vậy nhưng với bố mẹ tôi lại khác. Bố tôi còn nhớ như in một câu nói mà trong lúc tức giận cô đã quát các bạn học sinh hư (hoặc có thể là cả lớp): “Chết hết chúng mày đi!”.
Đứa trẻ ngày đó là tôi chỉ biết về kể cho bố mẹ rằng cô đã nói thế, đã có những hành động, cử chỉ như thế nào với chúng tôi chứ không biết được lúc đó cô giáo đã giận thế nào, bố mẹ phản ứng ra sao với những hành động ấy. May mắn có thể là hồi còn đi học mầm non, tôi đã không bị vết xước hay bầm tím nào trên cơ thể.
Nhưng ngày nay, khi mọi thông tin đều trở nên nóng hổi và được cập nhật nhanh như vũ bão mà không kịp kiểm soát, tất cả các hành động của chúng ta đều có thể được hàng nghìn, hàng triệu con người nhìn thấy tận mắt thì có lẽ, không điều gì có thể che giấu được.
Ngày hôm qua một cô giáo đánh vào đầu học sinh chảy máu, hôm kia có cô véo đứt tai học trò, v.v... Chúng ta đang “ngập ngụa” trong một mớ hổ lốn thông tin tiêu cực về “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý” khiến niềm tin, đôi lúc bị vơi đi ít nhiều. Cảm giác buồn không sợ bằng chán nản và tỏ ra bình thường vì như vậy nghĩa là nó đã xảy ra quá nhiều lần đến mức khiến con người ta bị chai lì với cảm xúc.
Giờ đây, từng ngày từng giờ chúng ta đều có thể “phát hiện” ra một cách thức dỗ trẻ mới, với những công cụ mới, “sáng tạo” trong ý tưởng, “phong phú” trong cách thể hiện và cũng khiến người khác phải cau mày, méo mặt khi nhìn thấy.
Trong khi ngày xưa (và thi thoảng hiện nay vẫn còn có) cách dọa trẻ khi biếng ăn chỉ là “Không ăn con ngáo ộp ra ăn hết bây giờ”. Thế nên, mỗi đứa trẻ hư đều có nỗi sợ vô hình với một đối tượng chưa bao giờ biết mặt: “Con ngáo ộp”.
Nhưng ngày nay, “con ngáo ộp” ấy lại trở nên rất phổ biến và đa dạng.
Xin các bậc cha mẹ, thầy, cô giáo hãy để những “con chim non nớt” chỉ có nỗi sợ mơ hồ về một con quái vật nào đó xuất hiện khi chúng hư chứ đừng biến nó thành hiện thực để mỗi đứa trẻ có một (hoặc nhiều) “con ngáo ộp” của riêng mình.
Thảo Nguyên
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả