"Chiếc phao cứu sinh" cho những người lầm lỡ trở về địa phương

Ngô Thị Huyền

Ngô Thị Huyền

Thứ 5, 21/03/2024 20:47

Chính sách nhân văn cùng với sự quan tâm giúp đỡ của địa phương đã giúp những người từng lầm lỡ có sinh kế và tạo cơ hội tái hòa nhập cộng đồng một cách bền vững.

Ngày 17/8/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg quy định về chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm (Quyết định 22). Quyết định này có hiệu lực từ 10/10/2023.

Theo đó, đối tượng vay vốn bao gồm: Người chấp hành xong án phạt tù (bao gồm: người chấp hành xong thời hạn chấp hành án phạt tù đã được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù quy định tại Luật Thi hành án hình sự và người được đặc xá đã được cấp giấy chứng nhận đặc xá quy định tại Luật Đặc xá); cơ sở sản xuất kinh doanh bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù.

Chính sách nhân văn này cùng với sự quan tâm giúp đỡ của địa phương đã giúp những người từng lầm lỡ có sinh kế và tạo cơ hội tái hòa nhập cộng đồng một cách bền vững.

Chấp hành xong án phạt tù (CHXAPT) trước thời hạn, trở về địa phương cuối năm 2023, anh Trần Công Triều trú tại thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, được vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh để đầu tư mở quán ăn. Nhờ vậy, anh Triều đã có việc làm với nguồn thu nhập ổn định.

Dòng chảy pháp luật - 'Chiếc phao cứu sinh' cho những người lầm lỡ trở về địa phương

Lực lượng công an động viên những người từng lầm lỡ trở về tái hòa nhập cộng đồng.

Theo anh Triều, thời gian chấp hành án, anh cũng lo lắng về công việc sau khi mình được tái hòa nhập cộng đồng. Ngày mới trở về, trong khi bản thân còn tự ti, mặc cảm, anh Triều được gia đình và cấp ủy, chính quyền quan tâm, động viên. Nhờ vậy anh dần lấy lại tinh thần và quyết tâm làm lại cuộc đời.

"Tôi thấy mình thực sự may mắn vì được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội. Sau khi được vay vốn, tôi đã đầu tư hệ thống cơ sở vật chất phục vụ công việc kinh doanh quán ăn, từ đó tạo nguồn thu nhập ổn định", anh Triều chia sẻ.

Giờ đây, anh Triều thấy phấn khởi, bởi từng là người lầm lỗi nhưng anh đã được tạo điều kiện để làm ăn và hạnh phúc hơn là anh được xã hội tin tưởng, đón nhận. “Khi đang thụ án, ai ở trong hoàn cảnh đó cũng lo lắng khi về địa phương không biết mọi người sẽ đón nhận mình thế nào? Rồi hai bàn tay trắng sẽ làm gì để nuôi sống bản thân?… Nhưng mọi lo lắng đã được giải tỏa khi mọi người động viên, hỗ trợ tôi tiến bộ. Đặc biệt, nguồn hỗ trợ tín dụng của Quyết định 22 đã trở thành động lực tích cực để tôi vươn lên sống tốt hơn, xứng đáng với niềm tin mà gia đình, xã hội dành cho bản thân…”, anh Triều cho biết.

Được biết, trên địa bàn huyện Lệ Thủy có 3 trường hợp CHXAPT đã được hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để sản xuất, kinh doanh. Những trường hợp được ưu tiên xét duyệt này có quá trình cải tạo tốt, thời gian quay trở về địa phương chấp hành quy định của pháp luật và điều quan trọng nhất, chính họ là những người muốn thay đổi, tiến bộ để sống tốt hơn.

Theo Phó Trưởng Công an thị trấn Kiến Giang Trần Văn Dũng, những người CHXAPT trở về địa phương cần có sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ của toàn xã hội, không phân biệt, đối xử, kỳ thị mà cần quan tâm, hỗ trợ để họ có công việc ổn định, tạo thu nhập cho bản thân, tránh xa các tệ nạn xã hội và đóng góp cho xã hội, góp phần bảo đảm an ninh trật tự và phát triển kinh tế tại địa phương. Thời gian qua, từ nỗ lực trong công tác phối hợp với chính quyền địa phương đã hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ những trường hợp này, nên tỉ lệ tái phạm tội của những người CHXAPT trên địa bàn tỉnh Quảng Bình khá thấp, chỉ chiếm 0,3%.

Hiện nay, Công an tỉnh Quảng Bình đang quản lý 918 người CHXAPT. Trong đó, có 262 người đủ điều kiện để lực lượng Công an đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống.

Đến tháng 3/2024, đã có 103 người được ngân hàng giải ngân cho vay với số tiền 9,2 tỷ đồng. Quyết định 22 là chính sách rất có ý nghĩa đối với công tác bảo đảm an ninh trật tự và nhiệm vụ phát triển kinh tế, ổn định xã hội tại địa phương.

Vì vậy, thời gian tới, lực lượng công an và chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm phối hợp kịp thời để đưa chính sách thực sự đi vào cuộc sống, trở thành động lực để người CHXAPT nỗ lực làm lại cuộc đời.

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.