Tàu San José, bị đánh chìm năm 1708, là trung tâm của cuộc tranh chấp về quyền sở hữu xác tàu, bao gồm cả kho báu trị giá 17 tỷ USD.
Kể từ khi hải quân Colombia phát hiện ra của con tàu Tây Ban Nha San José vào năm 2015, vị trí của nó vẫn là bí mật quốc gia, xác tàu và hàng hóa quý giá mà nó vận chuyển vẫn nằm sâu dưới vùng biển Caribe.
Những nỗ lực nhằm trục vớt con tàu và thu hồi kho báu trên đó đã vướng vào một chuỗi tranh chấp pháp lý quốc tế phức tạp với Colombia, Tây Ban Nha, bộ lạc thổ dân Bolivia và một công ty trục vớt của Mỹ đều đòi sở hữu xác tàu cũng như vàng, bạc và ngọc lục bảo trên tàu. Số kho báu được cho là có giá trị lên tới 17 tỷ USD.
Khi Colombia tìm cách chi trả chi phí khổng lồ trong việc trục vớt con tàu, UNESCO và tòa án cấp cao của nước này đã can thiệp. Nhưng tám năm sau khi phát hiện, các nhà chức trách cho biết họ có thể bắt đầu trục vượt các cổ vật từ xác con tàu bị đắm vào tháng 4.
Guardian dẫn lời Alhena Caicedo, giám đốc Viện Nhân chủng học và Lịch sử Colombia: "Chúng tôi đang suy nghĩ cách tiếp cận thông tin lịch sử và khảo cổ từ xác tàu".
Tàu San José đang quay trở lại châu Âu với kho báu để chi viện cho cuộc chiến tranh giành quyền kế vị của Tây Ban Nha thì bị một hải đội Anh đánh chìm vào năm 1708, gần thành phố cảng Cartagena ở Caribe.
Các nhà sử học cho rằng xác tàu có thể giúp tiết lộ nhiều điều về đế quốc Tây Ban Nha ở thời kỳ đỉnh cao quyền lực - cũng như lịch sử chồng chéo của châu Âu và châu Mỹ Latinh.
Cuối cùng, nhóm của Caicedo hy vọng có thể tự nâng xác tàu lên và trưng bày trong một bảo tàng được xây dựng theo yêu cầu riêng, nơi du khách có thể khám phá “tất cả bí mật dưới đáy đại dương". Nhưng khi đoàn thám hiểm tiếp tục khám phá địa điểm này, quy mô và độ phức tạp của thử thách ngày càng trở nên rõ ràng.
Rất ít con tàu như San José từng được trục vớt và chưa có con tàu nào được trục vớt từ vùng nước nhiệt đới ấm áp.
"Đây là một thách thức lớn và là dự án không có nhiều tiền lệ. Theo một cách nào đó, chúng tôi là những người tiên phong", Caicedo nói.
Hải Vân (T/h)