Vào những năm 80 của thế kỷ trước, khi xe đạp là phương tiện giao thông phổ biến nhất, một chiếc xe đạp Phượng Hoàng có thể coi là biểu tượng của sự giàu có, là “siêu xe” chỉ dành cho giới nhà giàu.
Thời điểm ấy, giá trị của một chiếc xe đạp Phượng Hoàng có thể bằng cả một năm thu hoạch nông sản của một gia đình nông dân. Đặc biệt là sau cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, khi lượng hàng hóa Trung Quốc về Việt Nam nhỏ giọt, để mua xe Phượng Hoàng không phải là dễ. Giá của một chiếc xe có thể lên đến vài cây vàng.
Xe đạp Phượng Hoàng vốn là thương hiệu xe đạp đến từ Trung Quốc với lịch sử phát triển lâu đời từ năm 1897 đến nay.
Họa tiết phượng hoàng lúc đó được coi là biểu tượng của sự tốt lành khi nó dang rộng đôi cánh và bay cao, thể hiện sức hấp dẫn riêng và khả năng cạnh tranh trên thị trường xe đạp của thương hiệu. Mẫu xe này đã trở thành sản phẩm được nhiều người khao khát, trở thành biểu tượng người tiên phong, bản sắc riêng, sự giàu có và địa vị trong xã hội.
Mọi bộ phận của xe đạp Phượng Hoàng đều được thiết kế cẩn thận và lựa chọn nghiêm ngặt. Từ khung đến lốp, từ phanh đến hộp số, mọi chi tiết đều thể hiện sự khéo léo và theo đuổi chất lượng cao. Vẻ ngoài thanh lịch, đẹp mắt cũng là một điểm thu hút khó bỏ qua của “siêu xe” này.
Vào thời điểm đó, giá của xe đạp Phượng Hoàng tại Trung Quốc là 120 NDT/chiếc. Mức lương trung bình của người dân Trung Quốc lúc đó là khoảng 30 NDT/tháng, nghĩa là người ta sẽ phải mất 4 tháng lương mới có thể “tậu” được chiếc xe này. So với thời điểm hiện tại, một chiếc xe đạp Phượng Hoàng thời bấy giờ có giá trị tương đương hơn 10.000 NDT (32,8 triệu đồng) ngày nay.
Ở nước ta, số lượng người vẫn còn sở hữu xe đạp Phượng Hoàng xưa còn rất ít, hoặc xe đã hỏng hóc nặng theo thời gian. Tuy nhiên, do ở Trung Quốc hiện nay vẫn còn sản xuất mẫu xe này nên cũng đã có một số nhà bán hàng Việt Nam nhập về. Người tiêu dùng có thể đặt mua online với giá chỉ từ 4 - 5 triệu đồng/chiếc. Ngoài ra còn có cả những mẫu xe đạp Phượng Hoàng gắn máy với giá khoảng 10 triệu đồng.
Hương Nguyễn (Theo sohu)