Ngày 23/2/2014, hai cha con ông Nguyễn Văn Thời và Nguyễn Quang Huy cùng ở xã Phúc Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) đi đánh cá đã phát hiện gốc sưa "khủng" hàng trăm tuổi nằm dưới lòng suối tại khu vực khe Troóc Vực, xã Phúc Trạch. Sau khi phát hiện, cha con ông Thời đã tìm cách trục vớt nhưng bất thành vì gốc sưa quá lớn và nặng.
Phát hiện sự việc, đến rạng sáng ngày 25/2, hàng ngàn người dân địa phương đã nhanh chóng kéo đến xem. Ngay sau đó, lực lượng chức năng Quảng Bình gồm: chính quyền địa phương, công an và kiểm lâm đã có mặt kịp thời để bảo vệ hiện trường. Đồng thời, triển khai nhiều phương án kỹ thuật, máy móc và sức người để trục vớt gốc sưa lên bờ, xử lý theo quy định của Nhà nước.
Tận dụng hết sức người và sự hỗ trợ của máy móc hiện đại, ngày 26/2, gốc gỗ sưa mới được trục vớt lên bờ.
Sau khi gốc sưa được trục vớt lên bờ, tháng 3/2014, UBND tỉnh Quảng Bình quyết định trưng bày tại Bảo tàng tổng hợp tỉnh. Lãnh đạo tỉnh thời điểm đó - cho rằng việc trưng bày gốc cây sưa tại bảo tàng giúp người dân địa phương biết về loại cây gỗ quý hiếm và có giá trị này để cùng chung tay giữ gìn cho môi trường sống.
Tại thời điểm năm 2014, gốc sưa nặng hơn 2 tấn này được ước tính có giá trị khoảng hơn 17 tỷ đồng.
Gốc cây sưa khủng với tuổi đời hàng trăm năm này được xác định thuộc loại sưa mộc vàng (tên khoa học là Dalbergia Tonkinensis Prain) thuộc gỗ nhóm I. Đường kính thân cây khoảng 1m, dài 1,8m; chiều rộng nhất của rễ ở gốc 2,5m và nặng trên 2,1 tấn.
Bên trong thân của gốc sưa bị rỗng hoàn toàn, cây già cỗi cộng thêm bị ngâm nước thời gian dài tạo nên nhiều vết nứt chằng chịt.
Theo Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình, di vật được trưng bày tại bảo tàng là những vật có giá trị lịch sử, văn hóa hoặc nghệ thuật. Nếu xét đến các đặc điểm trên thì gốc sưa này không có. Tuy nhiên, vì đây là bảo tàng tổng hợp nên gốc sưa có thể được trưng bày để minh họa cho đặc trưng của tỉnh nhà, làm phong phú các sản vật tự nhiên.
Đến thời điểm này, giá trị thực của gốc sưa hiện vẫn còn là ẩn số.