Chiến binh mù duy nhất của “đội quân tóc dài”

Chiến binh mù duy nhất của “đội quân tóc dài”

Thứ 5, 27/12/2012 23:42

Ít ai ngờ, từ niềm đam mê học đàn, cô gái mù Huỳnh Thị Bùi đã gia nhập đội quân tóc dài của tướng Nguyễn Thị Định.

Tiếng đàn trong lòng địch

Tìm hiểu về người chiến sĩ trong đội quân tóc dài của tướng Định có bí danh Xuân Liễu ngày nào, chúng tôi được biết bà có một tuổi thơ, cuộc đời dữ dội. Sinh ra trong một gia đình là có truyền thống cách mạng, Huỳnh Thị Bùi (nay đã ngoài 70 tuổi) sớm thấm nhuần tư tưởng yêu nước của dân tộc. Từng ước mơ trở thành cô giáo, Bùi khát khao được học và yêu ghế nhà trường hết mực.

Tuy nhiên, ước mơ của cô gái trẻ sớm tan tành khi lên 7 tuổi bệnh đậu mùa vĩnh viễn cướp đi ánh sáng của Bùi. Nỗi thất vọng, hụt hẫng, đau khổ vì bị chúng bạn chê cười vây kín tâm hồn cô bé. Bùi lui vào cuộc sống lặng lẽ quanh xó nhà, tưởng chừng sống kiếp phế nhân. Thế nhưng, vào một ngày bà không còn nhớ rõ, từ đâu đó, vọng vào tai cô bé mù tiếng đàn Ghi - ta, Măng - đô - lin, ắc - coóc khiến cô rạo rực

Xã hội - Chiến binh mù duy nhất của “đội quân tóc dài”

Đã ngoài 70 nhưng tiếng đàn, tiếng hát của bà vẫn đầy nhiệt huyết

"Lúc đó tôi bỗng nảy ra ý định học đàn. Tôi phải học đàn cho đỡ buồn chán, cho có việc để làm nên đòi cha cho học đàn", bà nhớ lại. Người thầy đàn đầu đời của bà cũng là một người đặc biệt mà đến khi thầy ra đi, bà mới vỡ lẽ thầy là Bí thư xã Lương Hòa, Ủy viên huyện Giồng Trôm.

"Thầy tôi là cậu Năm Di nổi tiếng đàn giỏi hát hay trong vùng. Thương tôi mù lòa lại thích học đàn, ông hết lòng chỉ dạy. Thế nhưng, khi lời ca còn chưa hay, tiếng đàn còn chưa tròn, Năm Di bị giặc phát hiện, lùng bắt rồi giải về xã bắn chết trước mặt mọi người". Từ đó, Bùi đem nỗi uất hận, căm thù vào tiếng đàn. Cô rèn giũa tiếng đàn, giọng ca và hát lên những bài ca kháng chiến mỗi khi địch ruồng bố quân ta.

Cũng nhờ giọng ca, tiếng đàn hơn người ấy, trong một lần vô tình được gặp bà Ba Định (Nữ tướng Nguyễn Thị Định), cô gái mù Huỳnh Thị Bùi đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của vị nữ tướng anh hùng. Chia sẻ những kỷ niệm lần đầu gặp vị nữ tướng anh hùng, bà Bùi nhớ lại: "Cha tôi từng có thời theo bảo vệ bà Ba Định khi bà về đây hoạt động nên bà thường xuyên ghé nhà tôi. Lúc đầu, tôi không biết bà là ai, tôi cũng không hỏi. Nhưng lần nọ, khi tôi đang tập đàn và hát bài Hoa xuân ra tiền tuyến thì bà vào và hỏi chuyện tôi. Lần đó, tôi mới biết bà là nữ tướng anh hùng Nguyễn Thị Định".

Kể từ ngày gặp mặt Bùi, tướng Định đã nhận thấy sự nhiệt huyết cũng như tinh thần đấu tranh trong cô gái mù. Bà quyết định cho cô nắm giữ vai trò liên lạc, rồi tạo điều kiện cho bà vào hoạt động trong đội quân tóc dài vang danh của mình. Từ đó, với cây đàn, giọng hát, cô gái trẻ mù lòa Huỳnh Thị Bùi giấu thư từ, tài liệu trong chiếc đàn, trong búi tóc, ôm đàn trong lòng, bình thản mò mẫm qua khắp các đồn bốt địch làm nhiệm vụ của một người hoạt động cách mạng bí mật.

Những tháng ngày không thể quên

Không muốn bà đàn hát những bài ca vực dậy tinh thần kháng chiến, ca những bài ca yêu nước làm nao núng chút tình Tổ quốc còn sót lại của bọn tay sai, nhiều lần giặc bắt, đánh đập, tra tấn và phỉ báng bà. Tuy nhiên, chúng không thể ngăn được tiếng đàn, giọng hát của bà. Và tiếng đàn, giọng hát của bà trở thành vũ khí lợi hại vực dậy tinh thần của các chiến sĩ cứu quốc quân lên đến đỉnh điểm khi phong trào Đồng Khởi nổ ra.

Bà chia sẻ: "Đó là thời gian ác liệt nhất mà tôi từng tham gia và cũng là những năm tháng hạnh phúc, hào hùng, đáng tự hào nhất của tôi. Ban ngày tôi đi đấu tranh, đêm về lại đàn hát cho đồng bào, dân công, chiến sĩ nghe".

Xã hội - Chiến binh mù duy nhất của “đội quân tóc dài” (Hình 2).

Căn nhà tình thương của bà Huỳnh Thị Bùi trong một chiều nhập nhoạng tối

Sống trong giai đoạn khốc liệt, mặc cho nhiều người dân phải ly hương, sơ tán, bà Bùi dù mù lòa vẫn kiên quyết bám trụ quê hương.

Tại đây, bà tham gia vào đội dân công rồi đội văn công của đội quân tóc dài. Nhiều lúc địch rải bom xuống đường, cày nát những gốc dừa, đường đứt từng khúc thành những hố sâu hun hút. Bà cũng hành quân theo đội quân tóc dài phục vụ trên những tuyến đường như vậy.

Bà kể: "Không hiểu sao, tôi mù mà bom đạn không lần nào bắn trúng tôi. Nhớ một lần cùng các chị hành quân về nơi biểu diễn mới, cả đoàn bị máy bay giặc thả bom. Tôi bị hất tung xuống hố bom sâu hút. Tưởng mình đã chết nhưng khi nghe người chỉ huy lệnh: "Lấy tiếng hát át tiếng bom, chúng ta tiếp tục đi". Tôi lại mò mẫm leo lên bờ, ôm đàn cùng chị em khác hát vang".

Kể lại lần một mình mưu trí đối đầu với giặc, giành lại 2 cây đàn, bà nói: "Biết tôi về nhà ở một mình, một bọn lính tay sai ùa vào nhà lục soát rồi cướp 2 cây đàn của tôi với lý do tôi giấu truyền đơn trong đó. Tôi biết mất đi 2 cây đàn sẽ như người lính mất đi cây súng nên quyết giành lại cho bằng được. Nghĩ vậy, tôi lao ra giằng co với bọn chúng nhưng bị chúng dùng báng súng thúc vào bụng, vào đầu. Đau điếng, nhưng tôi quyết không từ bỏ vũ khí.

Sau một hồi giằng co, tôi nghe thấy tiếng bộ đàm của giặc nói lèo xèo phía sau. Tôi nghĩ chắc chỉ huy của nó đang ở đó liền lao ra ngoài cửa khóc than vật vã: “Ông ơi nhà tôi nghèo, tôi đui mù kiếm ăn chỉ bằng 2 cây đàn, nay lính vào cướp đi mất tôi lấy gì sống. Lúc đó, người dân trong vùng cũng lao ra ủng hộ. Tôi cố làm ra thương tâm, thảm não, gào khóc.

Cuối cùng chịu không nổi, bọn chúng phải trả đàn cho tôi. Nhưng chưa để tôi yên, tên chỉ huy hạ lệnh: “Giờ tao trả đàn cho mày. Mày đui mà nói kiếm ăn bằng đàn hát, giờ mày đàn hát tao nghe, nếu không làm được tao bắn chết”. Tôi làm theo và bọn chúng được một phen bẽ mặt, cúp đuôi đi thẳng. Tên chỉ huy trút giận bằng cách dùng gậy vụt vào mấy tên lính cướp đàn hét: “Bọn ngu đấu cũng không lại con đui mắt””.

Sau ngày ấy, người dân mới biết súng đạn, gươm đao, gậy gộc của giặc không thể nào ngăn được lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh của bà. Bà được tin tưởng dùng tiếng đàn, lời ca tổ chức các buổi nhạc hội qua mặt giặc để những thành viên khác có cơ hội đột kích bót, đồn lấy vũ khí. Cứ như vậy, cuộc đấu tranh của cô gái mù lúc lặng thầm khi sôi nổi hào hùng xuyên suốt cùng cuộc đấu tranh của chặng đường tranh đấu của đất Giồng Trôm đến ngày độc lập.

Với những cống hiến trên cùng sự nhiệt tình, năng nổ, xả thân cho những người cùng cảnh ngộ, bà được bầu làm Phó Chủ tịch Hội người mù huyện Giồng Trôm.

Giờ đây, sống những năm tháng hòa bình, mỗi khi ôm cây đàn, những năm tháng hào hùng không thể nào quên lại ùa về trong ký ức, ký ức của một thời hào hùng.

Với nghị lực hơn người, bà Huỳnh Thị Bùi không những trở thành một chiến sĩ, một nghệ sĩ trên mặt trận cứu quốc mà còn là một trong những lá cờ đầu trong phong trào chăm lo cho người khiếm thị. Được biết, bà được tướng Nguyễn Thị Định đích thân kết nạp đoàn năm 1963 và tặng huy hiệu. Sau ngày giải phóng, bà cũng vinh dự được bà Nguyễn Thị Định trở lại thăm và ôn lại những ngày tháng hào hùng tại quê hương Giồng Trôm.

Hà Nguyễn - Ngọc Lài


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.