Tạp chí quốc phòng nổi tiếng của Anh Jane’s Defence Weekly số ra tháng 2/2013 đã đăng tải một thông tin rất “hấp dẫn” trong báo cáo thường niên 2012, công bố ngày 25/01/2013 của hải quân Italia. Nội dung được Jane’s Defence Weekly phân tích là trong giai đoạn 2013-2018, hải quân Italia sẽ thải loại khoảng 30 tàu chiến, trong đó có không ít tàu có tính năng tác chiến rất tốt, có thể phục vụ tiếp khoảng vài chục năm nữa.
Bản báo cáo trình bày chi tiết kế hoạch tinh giảm biên chế và cắt gảm hạng mục xây dựng cơ sở hạ tầng hải quân. Theo bản báo cáo, trong giai đoạn này, hải quân Italia sẽ giảm biên chế từ 34.000 quân xuống còn 27.000 U-212A, ngoài ra họ chỉ bổ sung 8 tàu chiến mới, trong đó bao gồm 5 tàu hộ vệ đa năng FREMM lớp Bergamini, 2 tàu ngầm thế hệ mới nhất kiểu U-212A, 1 tàu chi viện tác chiến đa dụng.
Só lượng tàu chiến “nghỉ hưu” gồm 30 tàu, ngoài các tàu bổ trợ và huấn luyện ra, gần 20 tàu tác chiến tuyến 1 bao gồm đầy đủ các chủng loại của hải quân Italia sẽ là trọng tâm chú ý của các nước đang phát triển. Số tàu tác chiến này bao gồm: 7 tàu thuộc 2 loại tàu tuần tiễu lớp Artigliere và tàu hộ vệ lớp Maestrale (3100 tấn); 3 tàu rà quét lôi lớp Lerici; tàu hộ vệ hạng nhẹ lớp Minerva (1285 tấn) và 2 tàu ngầm lớp Sauro (1600 tấn), đại đa số các tàu này được đóng trong giai đoạn thập niên 80 thế kỷ trước.
Đi đầu trong số này là Philippines, họ đã mua tàu tuần tra lớp Hamilton cũ của Mỹ và tiếp tục thỏa thuận với Italia về việc mua lại 2 tàu hộ vệ tên lửa lớp Maestrale đã qua sử dụng với giá 11,7 tỷ peso, tương đương 280 triệu USD, sau khi tân trang nó còn sử dụng được đến năm 2035.
Tàu hộ vệ lớp Maestrale của Italia có chiều dài 122,7m, lượng giãn nước thông thường 2.500 tấn, đầy tải 3.100 tấn, tốc độ tối đa 32 hải lý/h, tốc độ tuần tra 15 hải lý/h, tầm hoạt động trên 9000km. Tàu được trang bị 4 hệ thống tên lửa chống hạm Teseo, 1 hệ thống tên lửa phòng không Aspide, 1 ụ pháo 127 mm Otobreda, 2 ụ pháo 40 mm DARDO.
Maestrale có năng lực chống ngầm rất mạnh gồm: 2 ống phóng ngư lôi chống ngầm hạng nhẹ cỡ 324mm, 2 máy phóng ngư lôi chống ngầm hạng nặng cỡ 533mm và 2 trực thăng săn ngầm AB212 đậu ở đuôi tàu. Nó còn được trang bị hệ thống radar đa chức năng với radar cảnh giới trên không/biển, radar định vị, radar điều khiển hỏa lực, hệ thống định vị thủy âm để phát hiện tàu ngầm.
Tuy là chiến hạm cũ nhưng Maestrale vẫn được các chuyên gia quân sự đánh giá là một trong 5 chiến hạm mạnh nhất khu vực Đông Nam Á, sánh ngang với các lớp tàu Gepard 3.9 (Việt Nam), Lekiu (Malaysia), Formidable (Singapore), Van Speijk (Indonesia).
Tạp chí Jane’s Defence Weekly cho biết, hiện có một số quốc gia Đông Nam Á và châu Phi đang tìm cách tiếp cận số tàu chiến “nghỉ hưu non” của hải quân Italia, trong đó tập trung vào tàu tuần tiễu, tàu hộ vệ và tàu ngầm, đa số chúng đều có lượng giãn nước vừa phải (từ 1000-3000 tấn), rất phù hợp với xu hướng phát triển hải quân kiểu con nhà nghèo.
Trong số này, được quan tâm nhất là các tàu hộ vệ lớp Maestrale đều đươc hạ thủy trong 4 năm từ 1982-1985, Italia ngừng sử dụng vì muốn thay thế dần bằng các tàu hộ vệ đa năng hiện đại FREMM lớp Bergamini. Các tàu ngầm thông thường lớp Sauro hiện còn phục vụ đều hạ thủy trong thập niên 80, Italia loại bỏ không phải vì không còn sử dụng được nữa mà họ thay thế nó dần dần bằng các tàu ngầm thế hệ mới hơn thuộc 2 lớp Salvatore Pelosi và Primo Longobardo (lớp 212 và 212A), còn các tàu hộ vệ hạng nhẹ lớp Minerva cũng tương tự.
Thời gian qua, liên tiếp Mỹ, Anh, Pháp… đã bán các tàu đã qua sử dụng cho Philippin, Indonesia, Singapore, thậm chí Đài Loan là một trong những nước có nền công nghiệp đóng tàu hàng đầu châu Á cũng theo xu hướng này. Gần đây, Italia cũng bắt đầu để mắt đến thị trường vũ khí giá rẻ với hàng loạt hiệp định hợp tác quân sự song phương với Algieria (khách hàng truyền thống của Nga) và các nước Đông Nam Á là: Singapore, Philippin và Việt Nam… Đây quả thực là tín hiệu đáng mừng đối với các nước ASEAN.
Theo Nguyễn Ngọc/ ANTĐ