Mặc dù còn 4 tháng nữa mới đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và những biến số trên đường đua vào Nhà Trắng là không thể lường trước được, Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang kiên nhẫn chuẩn bị cho tình huống tái ngộ ông Trump.
Theo tờ Financial Times (Anh), Brussels đang xây dựng chiến lược thương mại 2 bước để đối phó với ông Donald Trump, đưa ra cho ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa một thỏa thuận nhanh chóng nếu ông thắng cử, và trả đũa có mục tiêu nếu ông chọn áp dụng thuế quan trừng phạt bổ sung.
Bà Kamala Harris (trái) và ông Donald Trump. Ảnh: CNBC
Các quan chức EU coi cách tiếp cận "cây gậy và củ cà rốt" là phản ứng tốt nhất đối với tuyên bố áp dụng mức thuế tối thiểu 10% của ông Trump, mà họ ước tính có thể làm giảm xuất khẩu của EU khoảng 150 tỷ Euro mỗi năm.
Nếu ông Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11, các nhà đàm phán của Brussels tính tiếp cận nhóm của ông trước khi ông nhậm chức, để thảo luận về những sản phẩm nào của Mỹ mà EU có thể mua với số lượng lớn hơn.
Nếu các cuộc đàm phán về việc cải thiện thương mại thất bại và ông Trump áp dụng mức thuế quan cao hơn, bộ phận thương mại của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ lập danh sách các mặt hàng nhập khẩu mà họ có thể áp dụng mức thuế 50% trở lên.
"Chúng tôi phải chứng minh rằng chúng tôi là đối tác của Mỹ, chứ không phải là vấn đề", một quan chức cấp cao của EU cho biết hôm 29/7. "Chúng tôi sẽ tìm kiếm các thỏa thuận, nhưng chúng tôi sẵn sàng tự vệ nếu cần thiết. Chúng tôi sẽ không bị dẫn dắt bởi nỗi sợ hãi".
Nhiệm kỳ của ông Trump từ năm 2017 đến năm 2021 là một nhiệm kỳ đau đớn đối với EU, nơi có thặng dư thương mại hàng hóa đáng kể với Mỹ.
Sau khi ông Trump áp thuế đối với 6,4 tỷ Euro thép và nhôm nhập khẩu từ EU và các nơi khác vào năm 2018 vì lý do an ninh quốc gia, EU đã đáp trả bằng cách cân bằng lại thuế quan trị giá 2,8 tỷ Euro.
Khi thiết kế các biện pháp, Brussels đã chọn nhắm vào các cử tri cốt lõi của ông Trump bằng cách áp thuế mạnh đối với rượu whisky bourbon, xe máy Harley-Davidson và thuyền máy. Các mức thuế quan đó bị đình chỉ cho đến tháng 3, một phần của thỏa thuận tạm thời với chính quyền Biden nhằm tạm dừng thuế quan đối với kim loại.
Ông Valdis Dombrovskis, Ủy viên thương mại EU, cho biết ông hy vọng hai bên có thể tránh lặp lại "cuộc đối đầu" trong quá khứ.
"Chúng tôi tin rằng Mỹ và EU là đồng minh chiến lược và đặc biệt là trong bối cảnh địa chính trị hiện tại, điều quan trọng là chúng ta phải cùng nhau hợp tác về thương mại", ông Dombrovskis nói.
Tuy nhiên, vị quan chức EU bổ sung: "Chúng tôi đã bảo vệ lợi ích của mình bằng thuế quan và chúng tôi sẵn sàng bảo vệ lợi ích của mình một lần nữa nếu cần thiết".
Ông Jan Hatzius, nhà kinh tế trưởng của Goldman Sachs, gần đây đã dự báo rằng một cuộc chiến thuế quan sẽ gây thiệt hại cho EU nhiều hơn Mỹ. Nó sẽ khiến EU mất 1% GDP, so với 0,5% của Mỹ. Tuy nhiên, nó cũng sẽ làm tăng thêm 1,1% vào tỉ lệ lạm phát ở "xứ cờ hoa", so với 0,1% ở EU.
Các nhà hoạch định chính sách của Brussels hy vọng ông Trump sẽ không muốn kích động lạm phát khi cử tri lo lắng về chi phí sinh hoạt. Nhưng, một quan chức cấp cao của EU cho biết: "Bất kể điều gì xảy ra lần này, chúng tôi cũng đã chuẩn bị tốt hơn".
Những ngày này, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 đang ngày càng nóng. Khi ông Trump một lần nữa trên đường đua vào Nhà Trắng, ông phải đối mặt với những thách thức chưa từng có.
Sau khi đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rút lui khỏi cuộc đua, vấn đề tuổi tác quay trở lại gây rắc rối cho chính ông Trump. Ở tuổi 78, ông Trump sẽ là Tổng thống lớn tuổi nhất từng nhậm chức nếu được tái đắc cử.
Ngược lại, bà Kamala Harris, người đang trên đà trở thành ứng cử viên Tổng thống hàng đầu của Đảng Dân chủ, đại diện cho một thế hệ lãnh đạo mới. Ở tuổi 59, bà Harris mang đến một góc nhìn mới mẻ và kinh nghiệm sâu rộng với tư cách là cựu Thượng nghị sĩ và đương kim Phó Tổng thống.
Tuy nhiên, không phải là bà Harris không gặp rào cản nào. Trước tiên bà phải củng cố sự ủng hộ của Đảng Dân chủ và giải quyết những lo ngại về kinh nghiệm và hiệu quả của mình.
Cuộc bầu cử năm 2024 sẽ xoay quanh một số vấn đề quan trọng, trong đó phục hồi kinh tế và lạm phát là những ưu tiên hàng đầu của nhiều cử tri Mỹ, đòi hỏi các ứng cử viên phải đưa ra các giải pháp đáng tin cậy để khôi phục sự ổn định kinh tế.
Minh Đức (Theo Financial Times, Times of India)