Hôm thứ Ba (8/2), Quân đội Mỹ đã công bố chiến lược đầu tiên của họ trong vấn đề chống biến đổi khí hậu, tập trung vào việc huấn luyện binh lính trong bối cảnh các thảm họa thiên nhiên như lũ lụt, sóng nhiệt và hạn hán ngày càng trầm trọng, thực hiện cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Kế hoạch lần này đáp ứng lời kêu gọi của Tổng thống Joe Biden về các cơ quan hành động thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là một phần trong những nỗ lực của nước Mỹ nhằm đạt được mục tiêu giảm một nửa lượng khí thải vào năm 2030 so với mức của năm 2005 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Như một phần trong chiến lược, Lục quân Mỹ có kế hoạch lắp đặt lưới điện siêu nhỏ (microgrid) tại tất cả các cơ sở của mình và có một đội phương tiện phi chiến thuật chạy hoàn toàn bằng điện vào năm 2035. Lực lượng này cũng sẽ cắt giảm khí thải từ các tòa nhà và đưa việc giảm thiểu các mối đe dọa do biến đổi khí hậu vào các quyết định quản lý đất đai của mình.
Theo chiến lược, họ đã triển khai 950 dự án năng lượng tái tạo bao gồm khu cánh đồng năng lượng mặt trời 2,1 megawatt tại căn cứ Fort Knox ở bang Kentucky và 25 dự án lưới điện siêu nhỏ đã được lên kế hoạch đến năm 2024.
Vào năm ngoái, Bộ Quốc phòng Mỹ cảnh báo rằng biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn đối với các hoạt động quân sự nước này, nguy cơ dẫn đến các xung đột chính trị toàn cầu mới. Chẳng hạn, tình trạng thiếu nước có thể trở thành nguyên nhân chính dẫn đến xung đột giữa quân đội Mỹ ở nước ngoài và các quốc gia đóng quân.
Sự gia tăng các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đã khiến Bộ này chi hàng tỷ USD, có thể làm gia tăng chi phí quân đội Mỹ cũng như gây thiệt hại cho các căn cứ quân sự, giảm khả năng thực hiện nhiệm vụ hay các thành viên có thể gặp rủi ro.
Bà Christine Wormuth, Bộ trưởng Lục quân, cho biết trong một tuyên bố: “Biến đổi khí hậu đang đe dọa an ninh của nước Mỹ và làm thay đổi cục diện địa chiến lược như chúng ta đã biết”.
Bà Wormuth nói: “Những người lính ngày nay phải hoạt động trong môi trường nhiệt độ khắc nghiệt, chiến đấu với cháy rừng và khắc phục hậu quả sau bão. Biến đổi khí hậu không phải ở tương lai xa”; “Biến đổi khí hậu đang làm cho thế giới trở nên mất an toàn hơn và chúng ta cần phải hành động”.
Phạm Hà Thanh (theo CNBC, Pehal News)